Kỹ sư nông nghiệp

Là người đưa công nghệ vào quá trình trồng trọt, chăn nuôi nhằm làm giảm đi những gánh nặng cho người nông dân. Cụ thể họ sẽ tiến hành các nghiên cứu sinh học, hóa học và các lĩnh vực liên quan khác để tạo ra các ứng dụng giúp tăng năng suất và hiệu quả cho ngành nông nghiệp.

Yêu cầu nghề nghiệp

Nhiệm vụ

  • Chăm sóc vật nuôi và cây trồng.
  • Đánh giá chất lượng vật nuôi, cây trồng thường xuyên để có thể cho ra những sản phẩm chất lượng, năng suất như kỳ vọng.
  • Đẩy mạnh sự phát triển thông qua việc giao phối, lấy giống cho vật nuôi, cây trồng.
  • Đưa các công nghệ khoa học trong và ngoài nước để áp dụng lên vật nuôi, cây trồng nhằm tạo ra sản lượng, lợi nhuận tối đa.
  • Tìm hiểu về các phương pháp hiệu quả trong phòng thí nghiệm để đưa vào trồng trọt, chăn nuôi.
  • Nắm bắt xu hướng và những thay đổi thị trường thường xuyên để nâng cao, áp dụng công nghệ.
  • Gặp gỡ và hướng dẫn nông dân vận dụng kiến thức hiểu biết trong việc trồng cây và chăm sóc vật nuôi, gia cầm, cách dùng các công nghệ, xử lý, thuốc phòng trừ.
  • Giám sát các dự án nông nghiệp nâng cao chất lượng và năng suất theo đúng định hướng đề ra.
  • Đề xuất với ban lãnh đạo về tình hình thị trường cũng như cây trồng được thực hiện.
  • Thực hiện các công việc theo sự chỉ đạo của cấp trên.

Khả năng cần có

  • Bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trước những khó khăn, thử thách, luôn kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân.
  • Có tinh thần trách nhiệm cao, luôn tuân thủ pháp luật và thận trọng trong thực thi công vụ.
  • Không lợi dụng danh nghĩa, chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân.
  • Thường xuyên nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
  • Có lối sống trong sạch, lành mạnh, có kỷ cương, kỷ luật, gương mẫu, đi đầu trong công tác; không quan liêu, tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác.
  • Trung thực, khách quan, công tâm, công bằng, dân chủ; có thái độ tôn trọng khi tiếp xúc với nhân dân.

Kiến thức chuyên ngành

  • Nắm vững các kiến thức về Trồng trọt và chăn nuôi như đặc điểm thời tiết, cây trồng, cách thức canh tác,…
  • Có kiến thức địa lý tốt, thích tìm hiểu, nghiên cứu các mẫu vật, tài liệu chuyên ngành.

Kỹ năng (nghiệp vụ, kỹ năng mềm,…)

Kỹ năng cơ bản

  • Trình độ ngoại ngữ tương đương thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
  • Kỹ năng tin học.
  • Kỹ năng làm việc nhóm
  • Kỹ năng giao tiếp
  • Kỹ năng quản lý thời gian

Kỹ năng nghiệp vụ

  • Kỹ năng thực hiện các thí nghiệm khoa học chuyên ngành.
  • Kỹ năng trồng, ghép, lai tạo cây.
  • Kỹ năng chăm sóc vật nuôi.
  • Kỹ năng lai phối giống.
  • Kỹ năng nhận biết đặc điểm cây trồng, vật nuôi.
  • Kỹ năng truyền tải thông tin.

Công cụ nghề nghiệp

Máy móc, thiết bị

  • Điện thoại, máy tính, thiết bị nông nghiệp chuyên dụng.
  • Các thiết bị khoa học nông nghiệp chuyên dụng.

Công cụ phần mềm

MS Office, Email, website, Phần mềm họp trực tuyến, phần mềm thực hiện các thí nghiệm khoa học, phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật quốc gia.

Sở thích, tính cách

Vị trí nghề nghiệp này thường phù hợp với người có sở thích, tính cách sau:

Nhóm Nghiên cứu

1. Đặc điểm của nhóm Nghiên cứu

Đặc trưng của nhóm Nghiên cứu là thích tìm tòi, suy ngẫm để phát hiện ra vấn đề. Họ có khả năng quan sát, điều tra, phân tích, đánh giá để giải quyết các vấn đề về thế giới, môi trường tự nhiên.

Những người thuộc nhóm Nghiên cứu rất yêu thích khoa học và nghiên cứu, luôn có định hướng và mục tiêu rõ ràng. Họ có xu hướng thích các hoạt động cá nhân hơn tập thể.

Nhược điểm của người thuộc nhóm Nghiên cứu là khả năng cân bằng cuộc sống không tốt.

2. Môi trường làm việc tương ứng và nghề nghiệp điển hình

Người thuộc nhóm Nghiên cứu thường sẽ thoải mái khi được làm việc trong môi trường tiếp xúc với sách vở, nghiên cứu, phòng thí nghiệm. Họ thường thích các “hoạt động ý tưởng” liên quan đến quy trình suy nghĩ nội tại: chế tạo, khám phá, diễn giải, tổng hợp các trừu tượng hoặc triển khai ứng dụng các trừu tượng.

Một số nghề nghiệp điển hình: nhà khoa học, nhà nghiên cứu, công việc y tế và sức khỏe, nhà hóa học, nhà khoa học hàng hải, kỹ thuật viên lâm nghiệp, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm y tế hoặc nông nghiệp, nhà động vật học, nha sĩ, bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, nhà kinh tế học, nhà phân tích tài chính, luật sư, nhà vật lý học, nhà tâm lý học, xã hội học, tâm thần học, nhà động vật học,….

3. Ngành nghề đào tạo

Trong khối Khoa học tự nhiên, người thuộc nhóm Nghiên cứu sẽ hợp với các ngành học liên quan đến Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Công nghệ Y khoa, Chẩn đoán Y khoa và Điều trị, và Khoa học xã hội.

Một số ngành học cụ thể bao gồm:

  • Kiến trúc, công nghệ kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật trong các lĩnh vực khác nhau.
  • Sinh vật học, công nghệ thực phẩm, địa chất học, vật lý học.
  • Dinh dưỡng học, nhãn khoa, dược, nha khoa, điều dưỡng, thú y.
  • Nhân chủng học, tội phạm học, khoa học chính trị, tâm lý học, tâm thần học, xã hội học, ngôn ngữ học.
ISTJ – Người tận tâm với công việc (The duty fullfiller)

1. Đặc điểm của nhóm tính cách ISTJ

Những người thuộc nhóm ISTJ có lối sống chủ đạo là tư duy nội tâm, tức là họ cảm nhận thế giới bằng năm giác quan của họ theo một cách rõ ràng và cụ thể. Ngoài ra, ISTJ còn có một lối sống thứ hai là tư duy hướng ngoại, tức là họ ứng phó với mọi tình huống bằng lý trí và lô-gic.

Các ISTJ rất trầm tính và khá dè dặt, họ yêu thích sự an toàn và một cuộc sống yên bình. Họ có một ý thức rất lớn về trách nhiệm, nó giúp họ nghiêm túc và có động lực để vượt qua mọi thử thách. Với cách làm việc có tổ chức và có phương pháp, các ISTJ thường hoàn thành tốt mọi việc họ đảm nhận.

ISTJ rất trung thành, thành thực và đáng tin cậy. Họ đánh giá cao sự chân thành và chính trực. Họ là “những công dân tốt” luôn làm điều tốt cho gia đình và xã hội. Dù rằng họ thường rất nghiêm túc với mọi việc nhưng bên cạnh đó họ cũng có một óc hài hước kì lạ và luôn luôn vui vẻ, đặc biệt là với gia đình và những gì liên quan tới công việc.

ISTJ có xu hướng tin vào pháp luật và truyền thống, họ cũng mong đợi điều đó từ những người khác. Họ không thích phá luật hoặc chống đối lại các luật lệ. Nếu họ thấy được một lý do tốt dù là làm một việc không đúng như quy định, ISTJ sẽ ủng hộ nỗ lực đó. Tuy nhiên, những ISTJ tin rằng mọi việc cần phải làm theo đúng những thủ tục và kế hoạch. Nếu một ISTJ chưa phát triển đúng mức khả năng trực giác, họ có thể bị ám ảnh quá mức bởi cấu trúc và sẽ đòi hỏi mọi việc phải được thực hiện như trong sách vở.

Những người thuộc ISTJ luôn luôn làm đúng theo những gì anh/cô ta đã hứa. Vì thế, đôi khi họ thường vướng vào hàng đống công việc chất chồng. Do có một ý thức về trách nhiệm quá mạnh, họ thường gặp khó khăn trong việc nói “Không” khi được giao quá nhiều việc mà họ có thể không làm được. Vì lý do này mà các ISTJ thường phải làm việc trong nhiều giờ, và có thể không nhận ra mình bị lợi dụng.

Các ISTJ sẽ làm việc trong một khoảng thời gian dài và bỏ nhiều nỗ lực vào bất cứ công việc nào mà họ cảm thấy quan trọng để đạt được mục tiêu của họ. Tuy nhiên, họ sẽ từ chối bỏ công làm những gì họ thấy vô ích với họ, hoặc những việc không có ứng dụng thực tế. Họ thích làm việc một mình, nhưng nếu tình huống đòi hỏi phải làm theo nhóm thì họ cũng làm rất tốt. Họ luôn chịu mọi trách nhiệm cho hành động của mình, và họ rất thích vị thế của một người điều hành. Các lý thuyết và tư duy trừu tượng ít có tác dụng với các ISTJ, trừ khi họ có thể áp dụng chúng vào thực tế.

Các ISTJ luôn tôn trọng sự thật. Họ có một vốn sống phong phú do họ thu thập được qua những giác quan của mình. Họ có thể gặp khó khăn để hiểu một lý thuyết hoặc một ý tưởng khác với quan điểm của họ. Mặc dù vậy, nếu họ thấy được tầm quan trọng và sự hợp lý của ý tưởng của những người mà họ kính trọng hoặc quan tâm, thì ý tưởng đó sẽ trở thành điều họ tin tưởng, và ISTJ sẽ chấp nhận và ủng hộ nó. Một khi ISTJ ủng hộ một lý do hoặc ý tưởng, họ sẽ bằng mọi giá đảm bảo rằng họ đang thực hiện nhiệm vụ ủng hộ khi cần thiết.

Các ISTJ thường không đồng cảm với cảm xúc bản thân cũng như của người khác. Họ thường gặp khó khăn để nhận ra ngay những bất ổn tâm lý của bản thân dù nó có lộ ra trước mắt. Là người cầu toàn, họ có xu hướng cho rằng những cố gắng của mọi người là hiển nhiên, giống như họ coi nỗ lực của mình cũng là điều tất yếu vậy. Đôi lúc họ cần phải học cách cổ vũ người khác.

ISTJ thường cảm thấy không thoải mái bộc lộ những cảm giác yêu thích và cảm xúc của mình đối với người khác. Tuy nhiên, ý thức trách nhiệm và khả năng nhìn thấu những gì cần phải thực hiện trong mọi tình huống thường cho phép họ vượt qua được thói quen khép kín của bản thân, vì vậy họ thường ủng hộ và quan tâm đến những người mà họ yêu quý. Một khi ISTJ nhận ra nhu cầu về tình cảm của những người thân cận, họ sẽ nỗ lực hết mình để thỏa mãn nhu cầu đó.

Những ISTJ cực kỳ trung thực và trung nghĩa. Tư tưởng truyền thống và hướng về gia đình khiến cho họ luôn nỗ lực làm cho gia đình của mình luôn hòa thuận. Họ là những bậc cha mẹ có trách nhiệm và nghiêm túc. Họ thường là những người chu cấp rất hào phóng cho gia đình mình. Họ quan tâm sâu sắc tới những người thân, mặc dù họ cảm thấy không thoải mái khi bộc lộ tình cảm của mình. Họ thường bộc lộ cảm xúc qua hành động hơn là lời nói.

Các ISTJ có một khả năng tuyệt vời trong việc vạch rõ kế hoạch, sắp xếp, lên kế hoạch và thực hiện nó cho đến khi hoàn thành. Họ là những người làm việc chăm chỉ và không để cho bất cứ trở ngại nào ngáng đường khi họ thực thi công việc. Họ thường không tự tán thưởng mình vì những thành quả mình đạt được, vì họ cho rằng đó mặc nhiên là bổn phận phải làm của họ.

ISTJ có một cảm nhận rất tốt về không gian và chức năng, và họ đánh giá cao nghệ thuật. Nhà của họ luôn được trang trí tao nhã và luôn luôn sạch sẽ. Họ khá sắc bén trong cảm nhận của mình, và họ muốn những thứ xung quanh phải phù hợp với nhu cầu về cấu trúc, trật tự và vẻ đẹp.

Khi bị căng thẳng, ISTJ có thể rơi vào “trạng thái bi thảm”, họ nhìn mọi thứ đều chỉ thấy khả năng dẫn đến sai sót. Họ sẽ mắng nhiếc bản thân mình vì những việc lẽ ra nên làm khác, và những nhiệm vụ mà họ đã thất bại khi không hoàn thành. Vì vậy, họ mất đi khả năng nhìn thấu mọi thứ một cách bình tĩnh và hợp lý, và sẽ tự dằn vặt bản thân bằng những hình ảnh tiêu cực.

Nói tóm lại, ISTJ có tiềm năng rất lớn. Họ là những người có năng lực, có lý trí, biết điều và là những cá nhân làm việc hiệu quả với một khát khao mạnh mẽ là có một cuộc sống không lo âu và yên bình, ISTJ có những tố chất để làm mọi việc hiệu quả trên đường hoàn thành mục tiêu của mình, bất kể đó là gì.

2. ISTJ  và sự nghiệp.

Cho dù bạn là một thanh niên đang tìm kiếm chỗ đứng trong xã hội, hay một người trưởng thành đang muốn biết xem mình đang đi đúng hướng hay không, thì điều quan trọng là bạn hiểu chính mình và những đặc điểm tính cách có khả năng tác động đến sự thành công hay thất bại của bạn trong những ngành nghề khác nhau. Và cũng không kém phần quan trọng là bạn hiểu được điều gì là thực sự có ý nghĩa đối với bạn. Khi được trang bị những hiểu biết về các điểm mạnh và điểm yếu của mình cùng với sự nhận thức về điều mà bạn thực sự coi trọng, thì bạn đang ở trong một tâm thế rất tốt để chọn cho mình một nghề nghiệp mà bạn cảm thấy xứng đáng.

Các ISTJ thường có những nét đặc trưng sau:

  • Tôn trọng truyền thống, sự an toàn và một cuộc sống yên bình.
  • Làm việc trong thời gian dài và chăm chỉ để hoàn thành nhiệm vụ.
  • Có thể trông cậy trong việc hoàn thành nhiệm vụ.
  • Trung thành và thành thật.
  • Ổn định, thực tế và có óc xét đoán.
  • Coi trọng gia đình.
  • Không thích làm những gì vô nghĩa.
  • Không thích lý thuyết trừu tượng, trừ khi họ nhận thấy nó có ứng dụng thực tế.
  • Có tố chất lãnh đạo.
  • Thích làm một mình, nhưng cũng có thể làm tốt trong nhóm khi cần.
  • Khả năng quan sát tốt, họ lĩnh hội dữ kiện thông qua giác quan và lưu giữ chúng.
  • Có vốn sống phong phú và sử dụng chúng để hiểu những rắc rối mà họ gặp phải trong cuộc sống.
  • Tôn trọng sự thật và những thông tin cụ thể.
  • Đưa ra những quyết định khách quan, ứng dụng tư duy lô-gic và lý luận.
  • Không thích sự thay đổi, trừ khi họ thấy lợi ích rõ ràng từ việc đó.
  • Có quan điểm vững chắc về cách hoàn thành công việc.
  • Yêu thích môi trường làm việc trật tự và ngăn nắp.
  • Có những tiêu chuẩn rất cao về cách cư xử của bản thân và cách cư xử của những người khác.
  • Thường không dễ đồng cảm với cảm xúc của người khác.
  • Có khả năng hoàn thành mọi việc nếu họ toàn tâm toàn ý.
  • Là một công dân mẫu mực.

Các ISTJ có một phẩm chất giúp họ có lợi thế để trở nên thành công sự nghiệp, đó là “Sự kiên định”. Một ISTJ có thể làm bất cứ điều gì mà họ đã quyết định làm. Tuy nhiên, họ cảm thấy hạnh phúc và dễ chịu hơn ở một số lĩnh vực nhất định. Một ISTJ sẽ làm mọi điều tốt nhất nếu công việc đó cho phép họ sử dụng khả năng tổ chức tuyệt vời cũng như sức mạnh của sự tập trung để tạo nên trật tự và cơ cấu.

3. Nguyên tắc để ISTJ đạt  đượcthành công

  • Trau dồi ưu điểm

Làm những việc cho phép bạn sử dụng toàn bộ khả năng tổ chức và óc lô-gic của mình. Hãy khám phá thế giới của ngành quản trị kinh doanh, kế toán và y dược.

  • Đối mặt với khuyết điểm

Hãy chấp nhận điểm yếu của mình và tìm cách vượt qua chúng. Đặc biệt, cố gắng sử dụng khả năng phán quyết của một cách công bằng hơn, đừng vội bác bỏ ý kiến của người khác.

  • Suy nghĩ thật kĩ càng

Bạn cần phải sàng lọc nguồn thông tin đa dạng của mình để biến mọi việc trở nên khả thi. Cho bản thân mình một thời gian thích hợp để làm việc này, và tận dụng cơ hội thảo luận ý tưởng với người khác. Một số người cho rằng bộc lộ suy nghĩ rất quan trọng, nó cũng giống như việc làm rõ quan điểm khi viết vậy.

  • Thấu hiểu mọi thứ

Đừng bác bỏ ý kiến của người khác quá sớm chỉ vì bạn không tôn trọng người đưa ra ý kiến đó, hoặc do bạn nghĩ bạn đã biết tường tận về vấn đề đó rồi. Suy cho cùng, mỗi người đều có những ý kiến riêng, và không phải ai cũng biết hết mọi thứ. Như Steven Covey đã nói, “Phải thấu hiểu người khác để người khác có thể hiểu mình”.

  • Đừng cố gắng kiểm soát người khác

Hãy nhớ rằng không ai muốn mình bị kiểm soát cả. Hãy cố gắng kiềm chế xu hướng kiểm soát người khác của bạn. Thật sự bạn chỉ có thể kiểm soát bản thân mình mà thôi.

  • Quan tâm đến người khác

Dành thời gian để tìm hiểu xem họ từ đâu tới? Tính cách của họ như thế nào? Bây giờ họ đang suy nghĩ gì?

  • Chịu trách nhiệm với chính bản thân mình

Không được đổ lỗi cho những rắc rối của mình lên đầu người khác. Hãy tự tìm giải pháp để giải quyết nó.

  • Hãy biết chấp nhận, và hãy đánh giá bản thân nghiêm khắc như bạn đánh giá người khác
  • Tin tưởng vào những gì tốt đẹp nhất

Đừng tự khiến bản thân và người khác phải chán nản bằng việc tỏ ra bi quan trong mọi thứ. Sẽ luôn có những hướng giải quyết tích cực cho mọi tình huống tiêu cực. Hãy nhớ rằng những tình huống tích cực được tạo nên nhờ thái độ tích cực và ngược lại. Mong chờ những điều tốt nhất, và nó sẽ tới với bạn.

  • Không có gì phải sợ

Đôi khi chúng ta phải mạo hiểm để khởi xướng một sự thay đổi. Đừng sợ hãi khi ngày đó xảy đến. Trong đa số trường hợp, những chướng ngại và gánh nặng ngăn cản bạn đến thành công chỉ là do suy nghĩ của bạn mà thôi. Hãy thay đổi quan điểm – thay đổi cuộc đời của mình.

4. ISTJ và các mối quan hệ

Những lời nói của ISTJ rất đáng tin cậy, và họ tôn trọng những lời cam kết của mình một cách tuyệt đối. Họ tin rằng nếu làm ngược lại thì đó sẽ là một sự vi phạm về danh dự và uy tín. Vì thế họ rất nghiêm túc với những lời hứa của mình, một khi đã nói “Anh/Em đồng ý”, có nghĩa là họ chấp nhận mối quan hệ đó cho đến khi “cái chết chia lìa chúng ta”, hoặc ngược lại. Những ISTJ luôn có khát khao hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ của mình và họ sẽ làm bằng tất cả nhiệt huyết của mình. Họ sẽ làm mọi thứ để hoàn thành nghĩa vụ được đặt ra ở nhiều vai trò khác nhau như – vợ chồng, cha mẹ, con cháu v.v.v. Họ có thể gặp khó khăn khi bộc lộ tình cảm, nhưng họ luôn thường xuyên cảm thấy tình cảm dạt dào ấy và thể hiện nó qua những hành động của mình.

Những ISTJ là người đứng đầu trong các loại tính cách trong việc thể hiện nỗ lực của mình. Họ sẽ dùng mọi nỗ lực của mình để hoàn thành mục tiêu quan trọng đối với họ. Nếu như một mối quan hệ lâu dài là mục tiêu của họ, bạn hãy tin rằng ISTJ sẽ làm tất cả để nuôi dưỡng và duy trì mối quan hệ ấy.

Điểm mạnh của ISTJ:

  • Tôn trọng những lời cam kết.
  • Nghiêm túc trong những mối quan hệ.
  • Có khả năng thể hiện những gì họ nghĩ một cách chính xác.
  • Biết lắng nghe.
  • Quản lý tiền bạc tốt (mặc dù có chút bảo thủ).
  • Có khả năng tiếp nhận ý kiến xây dựng tốt.
  • Có khả năng đương đầu với các cuộc xung đột mà không để cảm xúc lấn át.
  • Có khả năng đưa ra lời khiển trách và hình phạt ngay lập tức.

Điểm cần khắc phục của ISTJ:

  • Có xu hướng cho rằng mình luôn đúng.
  • Thường rơi vào những cuộc tranh luận “thắng-thua”.
  • Không dễ đồng cảm với những gì người khác đang cảm nhận.
  • Tôn trọng nguyên tắc một cách cứng nhắc.
  • Không thường xuyên đưa ra những lời tán thưởng và công nhận cho những người mà họ yêu quý.

Thông tin khác

Phạm vi việc làm

  • Làm giảng viên trong các trường đại học hoặc cao đẳng trên cả nước.
  • Làm trong các công ty hoạt động về hóa chất nông nghiệp.
  • Làm trong công ty chăm sóc cây trồng.
  • Làm trong công ty sản xuất, nghiên cứu phân bón.
  • Làm việc tại một số cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn.
  • Làm việc trong trang trại, hợp tác xã.
  • Làm việc trong công ty phát triển giống cây trồng.
  • Làm tại công ty hoạt động chuyên về khoa học đời sống.

Yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ

  • Bằng cử nhân chuyên ngành nông – lâm nghiệp hay cảnh quan, môi trường.
  • Có chứng chỉ tiếng Anh với trình độ tương đương bậc 2 (trở lên) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  • Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.
Mục nhập này đã được đăng trong . Đánh dấu trang permalink.