LÀM TRÁI NGÀNH VÀ SỰ KHÓ KHĂN

Trên thực tế, hiện nay có đến khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp ra trường không làm đúng ngành học được giảng dạy tại giảng đường đại học.

Tính trung bình, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp trái ngành cho tất cả các ngành đào tạo là 21,43%. Đây là kết quả nghiên cứu được nhóm nghiên cứu của trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố mới đây. Đáng nói, nếu tính riêng theo từng ngành nghề, tỷ lệ làm trái ngành tại một số lĩnh vực thực tế còn ở mức cao hơn.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật, công nghệ, kiến trúc và xây dựng làm trái ngành là 31,6%. Thậm chí, một số ngành có tỷ lệ này cao hơn 60%. Đây là kết quả nghiên cứu, sử dụng dữ liệu từ điều tra lao động việc làm, đối tượng từ 25 đến 60 tuổi, trong 3 năm từ 2018 – 2020 của Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố mới đây.

 

Nguyên nhân sinh viên chọn làm trái ngành sau ra trường

Theo một thống kê của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp sau ra trường lên đến 26,2%. Để không bị rơi vào con số này, một số lượng lớn sinh viên vừa mới ra trường chọn ngay cho mình một công việc bất kỳ chỉ để không bị thất nghiệp.

Diễn giả Đào Ngọc Cường trong buổi chia sẻ về hướng nghiệp cho học sinh.

Bên cạnh những ngành nghề phổ biến, cần nhiều nhân lực thì có những ngành đào tạo mà nhu cầu về nhân lực của xã hội chỉ ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, mỗi năm các trường đào tạo các ngành này không ngừng cung cấp thêm nguồn nhân lực sau đại học mới. Tình trạng này khiến các sinh viên ra trường phải làm các công việc không liên quan đến ngành học của mình.

Trong bối cảnh hiện nay, nghề nghiệp ngày càng theo xu hướng đa, xuyên lĩnh vực, tạo điều kiện cho sinh viên ra trường làm được nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Bên cạnh đó các lý do thuộc về năng lực ngành nghề, nguyện vọng làm trái ngành, không thành công ở lĩnh vực chuyên ngành,… của sinh viên cũng góp phần đẩy số lượng sinh viên làm trái ngành sau đại học lên đến khoảng 60%.

Mặt khác, Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong quý 2/2022, xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động đối với nhân lực trình độ đại học là 49,7%. Trong khi đó, nhu cầu của người tìm việc có trình độ đại học là 61,1%. Sự chênh lệch này cho thấy, công tác phân luồng trong đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến Sinh viên phải làm trái nghề sau ra trường.

Khó khăn đặt ra là gì?

Hạn chế của việc làm trái ngành là thiếu kiến thức nền tảng. Người mới bắt đầu sẽ mang tâm lý chán nản khi phải tiếp xúc với quá nhiều điều mới mẻ, đòi hỏi sự học tập và trau dồi nghiêm túc. Cũng vì lý do thiếu kiến thức, hiệu quả công việc trong giai đoạn đầu cũng khó đạt được như mong đợi.

Dù nguyên nhân là khách quan hay chủ quan thì việc lựa chọn làm trái ngành mình được đào tạo, người lao động sẽ phải chấp nhận đánh đổi về thời gian cũng như sự cố gắng để tiếp cận một lĩnh vực mới. Chưa kể, mức thu nhập có thể thấp hơn với các ứng viên được đào tạo đúng ngành.

Theo nhóm nghiên cứu Đại học Quốc gia Hà Nội, khi tập trung đo lường ở nhóm ngành kinh doanh và quản lý, nhóm ngành có số lao động đại học được đào tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, gần 30% trong tổng số nhân lực đào tạo, cho thấy: Nhóm trái ngành có mức thu nhập trung bình thấp hơn nhóm đúng ngành. Mức lương trung bình khi làm việc đúng ngành vào năm 2020 là 9,4 triệu đồng, còn trái ngành là 8,01 triệu đồng. Con số tương ứng ở các năm 2019 lần lượt là 9,1 triệu và 7,6 triệu; năm 2018 là 8,2 triệu và 6,9 triệu.

Nguyên nhân sâu xa và giải pháp.

Nguyên nhân để nhiều sinh viên chọn làm trái ngành sau ra trường sẽ bao gồm cả khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất vẫn là do chưa có được lựa chọn đúng đắn ngay từ ban đầu cho ngành học của mình.

Và có rất nhiều nguyên nhân tác động đến suy nghĩ chưa thực sự đúng và hợp lý khi chọn nghề:

Chọn theo sự áp đặt của người lớn hoặc dựa dẫm vào ý kiến người khác. Cách chọn nghề này đã dẫn đến nhiều trường hợp chán nghề vì không phù hợp.

Chọn học bậc cao vì thành kiến với một số nghề trong xã hội, chẳng hạn, coi lao động chân tay là nghề thấp hèn, chê nhiều công việc dịch vụ là không “thanh lịch”, v.v…

Chọn nghề theo “mác”, theo “nhãn” thích  trở thành kỹ sư, giáo viên, bác sĩ… hơn nhân viên kỹ thuật nhưng thực tế mỗi nghề, mỗi chuyên môn có những bậc thang tay nghề nhất định.

Chọn “gấp, rút” mà không đánh giá đúng năng lực của bản thân. Do đó, có hai tình trạng thường gặp: hoặc đánh giá quá cao năng lực của mình, hoặc đánh giá không đúng mức và không tin vào bản thân

Chọn nhưng không nghĩ đến những điều kiện có liên quan như: kinh tế cá nhân hoặc gia đình, thời gian học nghề, tuổi thọ của nghề, đầu ra của nghề…

Tất cả những lý do trên đã làm cho sau khi học xong, người học không còn cảm hứng, nhiệt huyết với nghề, sẵn sàng làm bất cứ công việc khác ngành được đào tạo khi cảm thấy thích, có thu nhập…

Vậy, giải pháp cho vấn đề này là gì?

Đó là hãy có cho mình sự định hướng nghề nghiệp đúng đắn ngay từ ban đầu, hoặc ít nhất là khi bạn lựa chọn nghề nghiệp mới để làm.

Cần xác định rõ mục đích công việc bất kể làm đúng ngành hay làm trái ngành. Sự đầu tư đầy đủ về tinh thần và kiến thức, mang lại hiệu quả và kết quả cao nhất trong suốt quá trình làm việc. Ý chí chính là điều quan trọng nhất quyết định bạn có thể tiếp tục và thành công với công việc hay không.

Không ngừng trau dồi kiến thức ở lĩnh vực mới. Có đủ nền tảng hiểu biết sẽ giúp bạn tự tin hơn, cũng như gặp nhiều thuận lợi trong công việc. Ngay cả khi làm đúng ngành nghề thì việc trau dồi tri thức ở các lĩnh vực khác nhau không bao giờ là thừa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *