Giáo viên Tiểu học

Tên gọi khác: Giáo viên tiểu học hạng I, II, II, IV.

Là người trực tiếp giảng dạy và giáo dục học sinh trường tiểu học; thực hiện theo quy định của Luật giáo dục và Điều lệ nhà trường, nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở.

Yêu cầu nghề nghiệp

Nhiệm vụ

  • Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và kế hoạch giáo dục của nhà trường. Chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn (nội dung, phương pháp giáo dục, kiểm tra đánh giá học sinh) và chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách, bảo đảm quy định của chương trình giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể của nhà trường.
  • Tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn và nhà trường; thường xuyên cập nhật những chỉ đạo của ngành; chuẩn bị, tổ chức dạy học và đánh giá học sinh theo quy định; thực hiện các hoạt động chuyên môn khác.
  • Xây dựng mối quan hệ thân thiện, dân chủ giữa giáo viên với học sinh, với cha mẹ học sinh và cộng đồng; giúp học sinh chủ động, sáng tạo, tự tin, tự chủ trong học tập và rèn luyện.
  • Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; ứng xử văn hóa, đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của học sinh.
  • Thực hiện tự đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên; tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp; thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên giáo viên theo quy định; trao đổi chia sẻ chuyên môn cùng đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường thông qua các đợt sinh hoạt chuyên môn, tập huấn.
  • Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập và sinh hoạt chuyên môn; sáng tạo, linh hoạt trong việc tự làm đồ dùng dạy học.
  • Tham gia lựa chọn sách giáo khoa theo quy định; đề nghị nhà trường trang bị các xuất bản phẩm tham khảo, thiết bị dạy học theo quy định, phù hợp để sử dụng trong quá trình dạy học.
  • Tham gia kiểm định chất lượng giáo dục.
  • Tham gia thực hiện giáo dục bắt buộc, phổ cập giáo dục và xóa mù chữ ở địa phương.
  • Phối hợp với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, gia đình học sinh, cộng đồng và các tổ chức xã hội liên quan để thực hiện nhiệm vụ giáo dục.
  • Quản lý, tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục tại điểm trường khi được hiệu trưởng phân công.
  • Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và theo sự phân công của hiệu trưởng.

Khả năng cần có

  • Năng lực sư phạm vững vàng, am hiểu tâm lý học sinh
  • Kiên nhẫn, nhiệt tình, siêng năng, chịu khó và có trách nhiệm.
  • Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục tiểu học;
  • Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh;
  • Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp;
  • Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo; quy định về hành vi, ứng xử và trang phục.
  • Có sức khỏe theo yêu cầu của nghề.
  • Phát âm tiếng Việt chuẩn, giọng nói rõ ràng, truyền cảm.

Kiến thức chuyên ngành

  • Có kiến thức để dạy tốt tất cả các môn, các khối lớp ở tiểu học. Có phương pháp dạy phù hợp với các đối tượng học sinh có khả năng nhận thức khác nhau.
  • Hiểu mục tiêu đào tạo của bậc tiểu học. Nắm vững chương trình, nội dung sách giáo khoa tiểu học. Những yêu cầu về kiến thức, kĩ năng, thái độ của từng khối lớp, từng phân môn.
  • Có kiến thức về phương pháp dạy học, tổ chức các hình thức dạy học, kiểm tra – đánh giá kết quả học tập ở tiểu học theo định hướng đổi mới.
  • Có kiến thức về đổi mới giáo dục bậc tiểu học trong nước và trên thế giới.
  • Có kiến thức về tâm lý, văn hoá xã hội,… để có thể giao tiếp thân thiện với học sinh tiểu học, với đồng nghiệp, với cha mẹ học sinh.
  • Hiểu đặc điểm tâm sinh lí của học sinh tiểu học để kiên nhẫn, gương mẫu trong quá trình giảng dạy, giáo dục.
  • Có kiến thức để xử lý các tình huống sư phạm xảy ra trong và ngoài lớp phù hợp với tâm sinh lí học sinh tiểu học, phù hợp với mục tiêu giáo dục.

Kỹ năng (nghiệp vụ, kỹ năng mềm,…)

Kỹ năng cơ bản

  • Kỹ năng sử dụng tin học văn phòng.
  • Kỹ năng giao tiếp.
  • Kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm.
  • Kỹ năng giao tiếp với đồng nghiệp, gia đình và cộng đồng để hỗ trợ tốt quá trình giáo dục, kết hợp tốt môi trường giáo dục “nhà trường – gia đình và xã hội”.
  • Kỹ năng phân tích, đánh giá hiệu quả công việc của bản thân và đồng nghiệp; hợp tác với đồng nghiệp, các ngành có liên quan và có khả năng đổi mới.
  • Kỹ năng tổ chức và tham gia các hoạt động tập thể, xây dựng phong trào với nhiều hình thức khác nhau.
  • Kỹ năng theo dõi, xử lý kịp thời các thông tin của ngành học.
  • Kỹ năng tuyên truyền khoa học giáo dục, vận động xã hội hóa giáo dục tiểu học.

Kỹ năng nghiệp vụ

  • Kỹ năng lập hồ sơ, kế hoạch dạy học; xây dựng bài dạy khoa học, chính xác phù hợp với từng đối tượng trong từng khối, lớp khác nhau, đáp ứng mục tiêu từng bài dạy theo yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa.
  • Kĩ năng định hướng và thực hiện các hình thức tổ chức dạy học cũng như đổi mới phương pháp, tạo nên sự hứng thú, phát huy được sự sáng tạo của học sinh tiểu học.
  • Kỹ năng sư phạm trong việc hướng dẫn, truyền đạt thông tin của quá trình dạy học; giúp học sinh chiếm lĩnh được chính xác các đơn vị kiến thức, rèn kĩ năng cần thiết theo mục tiêu bài học trong từng môn học đã đề ra.
  • Kỹ năng làm và sử dụng đồ dùng dạy học có hiệu quả; kỹ năng ứng dụng công nghệ hiện đại vào dạy học; nắm bắt những yêu cầu mới nảy sinh trong thực tiễn dạy học để có cách giải quyết phù hợp đáp ứng yêu cầu đặt ra.
  • Kỹ năng lập kế hoạch làm công tác chủ nhiệm trong từng khối lớp khác nhau khi được phân công.
  • Kỹ năng tổ chức sinh hoạt tập thể, xây dựng phong trào với những hình thức khác nhau.
  • Kỹ năng tổ chức tốt hoạt động ngoài giờ lên lớp.
  • Kỹ năng vận dụng kiến thức tâm lý học, giáo dục học, công tác Đội… để xử lí tốt những tình huống nảy sinh trong thực tiễn trên nhiều phương diện khác nhau, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trên những địa bàn dạy học khác nhau.
  • Kỹ năng nắm bắt đặc điểm đối tượng và giao tiếp sư phạm để thuyết phục, giáo dục học sinh; giao tiếp tốt với những đối tượng khác để hỗ trợ cho quá trình giáo dục.
  • Kỹ năng vận động quần chúng trong dạy học, giáo dục học sinh; kết hợp tốt các môi trường giáo dục “ nhà trường – gia đình và xã hội”.

Công cụ nghề nghiệp

Máy móc, thiết bị

Máy tính, máy chiếu, loa, mic…

Công cụ phần mềm

Công cụ tin học văn phòng, phần mềm ứng dụng phục vụ cho công tác giảng dạy tại lớp và giảng dạy trực tuyến.

Công cụ hỗ trợ khác

Phấn, bảng, thước kẻ bảng, sách giáo khoa, giáo án…

Sở thích, tính cách

Vị trí nghề nghiệp này thường phù hợp với người có sở thích, tính cách sau:

ENFP – Người truyền cảm hứng (The inspirer)

1. Đặc điểm của nhóm tính cách ENFP

Những người thuộc nhóm ENFP có lối sống chủ đạo là trực giác hướng ngoại, họ nhận biết thế giới qua trực giác của mình. Lối sống thứ hai là cảm xúc nội tâm, họ xử lý mọi việc theo cách mà họ cảm nhận chúng, hoặc những việc đó có phù hợp với chuẩn mực của bản thân họ hay không.

Các ENFP rất thân thiện, nhiệt tình, thông minh và có tố chất. Họ coi thế giới này đầy ắp những cơ hội, và họ luôn cảm thấy say mê và hứng thú với mọi thứ. Sự hăng hái nhiệt tình của họ giúp họ có khả năng truyền cảm hứng và động lực cho người khác hơn bất kì loại tính cách nào. Họ có khả năng thuyết phục mọi người về bất cứ điều gì. Họ yêu cuộc sống và nhìn nhận nó như là một món quà đặc biệt đối với họ, và họ luôn sống hết mình để xứng đáng với món quà đó.

ENFP là những người có năng lực và nhiều kĩ năng. Họ đạt hiệu quả cao khi làm những việc họ thực sự hứng thú. Ưa thích những công việc ngắn hạn, trong suốt sự nghiệp của mình họ có thể trải qua nhiều công việc khác nhau. Đối với người ngoài thì có vẻ như ENFP không có định hướng và mục tiêu rõ ràng, nhưng thực tế thì ENFP rất kiên định bởi vì họ có một ý thức rất lớn về giá trị bản thân của mình. Những gì họ làm phải tương xứng với giá trị của bản thân họ. ENFP luôn muốn được sống thật với con người của mình, làm những gì mà họ tin là đúng đắn. Họ nhìn thấy ý nghĩa trong mọi việc xung quanh mình, và họ luôn cố gắng tìm cách thích nghi với cuộc sống và giá trị của bản thân mình để đạt được sự thanh thản trong tâm hồn. Họ luôn luôn ý thức và thậm chí sợ hãi việc đánh mất chính mình. Do cảm hứng là một phần thiết yếu trong cuộc đời của ENFP, và cũng bởi vì họ luôn cố gắng giữ “trung điểm”, ENFP thường là một cá nhân đầy nhiêt huyết, với nhiều lý tưởng tiên tiến.

Một ENFP cần phải tập trung vào hoàn thành công việc của mình. Chính vì vậy mà đây là một rắc rối mà một số cá thể mắc phải. Không như các nhóm hướng ngoại khác, các ENFP cần phải có một khoảng thời gian riêng để cân bằng bản thân và chắc chắn rằng họ đang làm đúng với những gì phù hợp với giá trị của họ. Những ENFP có khả năng cân bằng bản thân mình thường là những người rất thành công. Ngược lại, những ENFP khác có thể mắc phải một thói quen đó là bỏ ngang một dự án nào đó nếu họ thấy một dự án mới mang nhiều tiềm năng hơn. Chính vì thế mà họ không bao giờ đạt được những kết quả thực sự đáng kể cho dù họ có khả năng làm được những điều đó.

Hầu hết ENFP có kỹ năng tương tác tốt. Họ thường nồng hậu và quan tâm đến mọi người, và xem trọng các mối quan hệ xã hội. Các ENFP có một nhu cầu mãnh liệt muốn được mọi người quý mến. Đôi lúc, đặc biệt là ở giai đoạn thiếu niên, một ENFP thường có xu hướng “vồn vã” và không thành thật, và thường hành động một cách quá trớn để dành được sự thừa nhận của người khác. Tuy nhiên, một khi ENFP đã học được cách cân bằng nhu cầu được sống thật với bản thân cũng như nhu cầu muốn được thừa nhận của mình, thì họ trở nên rất giỏi trong việc giúp người khác thể hiện điểm mạnh của mình và nhờ đó mà họ luôn được quý mến. Họ có một khả năng trời phú trong việc thấu hiểu một người chỉ qua một khoảng thời gian ngắn tiếp xúc, và họ dùng khả năng ấy cùng sự linh hoạt của mình để tạo dựng quan hệ đối với người khác.

Do thế giới của các ENFP luôn tràn đầy những cơ hội hấp dẫn nên những việc làm đời thường trở thành một cái gì đó tẻ nhạt với họ. Họ không chú trọng đến những dạng công việc mang tính chất quá chi tiết và tẻ nhạt, và thường thì họ sẽ để cho chúng rơi vào quên lãng. Họ sẽ cảm thấy không chút hứng thú gì nếu bị bắt phải làm những dạng công việc đó. Chính vì thế nên đây là một thử thách rất lớn trong cuộc sống của hầu hết các ENFP, và đôi khi gây ra những xung đột giữa các thành viên trong gia đình.

Một ENFP “đi sai đường” có thể trở thành một người thích kiểm soát – và họ đặc biệt rất giỏi trong vấn đề đó. Khả năng thiên phú trong giao tiếp khiến cho họ dễ dàng đạt được những gì mà họ muốn. Hầu hết các ENFP sẽ không lạm dụng khả năng này bởi vì như thế là đi ngược lại với giá trị bản thân của họ.
Đôi khi các ENFP thường đưa ra những phán quyết sai lầm trầm trọng. Họ có một khả năng tuyệt vời trong việc dùng trực giác để nhận thức sự thật về một người hoặc một tình huống nào đó, nhưng khi họ dùng óc suy xét của mình thì nó có thể đưa họ đến một kết luận sai lầm.

Những ENFP nào chưa học được cách làm việc gì đó tới cùng thường gặp khó khăn trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình. Luôn luôn đoán được những khả năng có thể xảy ra nên họ có xu hướng chán ngán với những gì đang có ở thực tại. Ý thức mạnh mẽ về giá trị của mình sẽ giúp cho đa số ENFP luôn hết lòng với các mối quan hệ của mình. Tuy nhiên, các ENFP thường thích một chút gì đó mới lạ trong cuộc sống của mình, nên họ thích xây dựng mối quan hệ với những người cảm thấy thoải mái với những sự thay đổi và thích trải nghiệm những thứ mới lạ.

Những đứa trẻ có cha mẹ thuộc loại ENFP có thể sẽ trải qua những trải nghiệm thú vị, nhưng đôi lúc cũng khiến cho những đứa trẻ mạnh về Giác Quan hoặc Nguyên Tắc  cảm thấy căng thẳng. Những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi vòng xoáy cuộc sống của những bậc cha mẹ ENFP sẽ cho rằng họ đầy mâu thuẫn và khó hiểu. Đôi lúc các bậc cha mẹ này muốn là bạn thân nhất của con mình, nhưng đôi lúc họ lại đóng vai những ông bố bà mẹ khó tính. Nhưng các ENFP luôn luôn nhất quán với những giá trị của bản thân mình, và điều này gây nên một ảnh hưởng to lớn đối với con cái của họ.

Về căn bản thì các ENFP là những người rất hạnh phúc. Một khi bị bó buộc vào một thời gian biểu chặt chẽ hoặc những công việc tẻ nhạt thì họ cảm thấy không thoải mái. Các ENFP làm việc hiệu quả nhất trong một môi trường linh động hoặc khi họ làm việc trong một nhóm. Họ có khả năng làm việc độc lập tốt. Họ có thể tự hoàn thành tốt công việc mà không cần sự giám sát, miễn là công việc được giao đủ hấp dẫn với họ.

Bởi vì họ luôn cảnh giác và nhạy cảm, luôn quan sát xung quanh, ENFP thường bị tình trạng quá tải cơ địa do căng thẳng. Họ có nhu cầu lớn được độc lập, và luôn chống lại việc bị kiểm soát hoặc gán ghép. Họ muốn toàn quyền kiểm soát bản thân mình nhưng lại không thích kiểm soát người khác. Họ không thích thấy người khác trở nên phụ thuộc hoặc bị kìm hãm cũng như thấy chính bản thân mình bị như thế.

ENFP là những cá nhân quyến rũ, chân thật, thích mạo hiểm, nhạy cảm, quan tâm đến người khác và sở hữu một loạt những năng lực khác nhau. Họ dùng những tài năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân cũng như cho những người thân thiết với họ, dĩ nhiên là trong trường hợp họ có khả năng cân bằng cuộc sống và hoàn thiện khả năng hết mình vì công việc của họ.

2. ENFP và sự nghiệp

Cho dù bạn là một thanh niên đang tìm kiếm chỗ đứng trong xã hội, hay một người trưởng thành đang cố tìm hiểu xem mình đang đi đúng hướng hay không, thì điều quan trọng là bạn hiểu chính mình và những đặc điểm tính cách sẽ có tác động đến khả năng thành công hay thất bại ở một số ngành nghề khác nhau. Và cũng không kém phần quan trọng là bạn hiểu được điều gì là thực sự có ý nghĩa đối với bạn. Khi được trang bị những hiểu biết về các điểm mạnh và điểm yếu của mình, đồng thời với sự nhận thức về điều mà bạn thực sự đánh giá cao, thì bạn đang có một điều kiện tốt để lựa chọn nghề nghiệp mà bạn cảm thấy xứng đáng.

Các ENFP thường có một số nét đặc trưng sau:

  • Có nhiều mục tiêu ngắn hạn.
  • Thông minh và bản lĩnh.
  • Thân thiện, quan tâm đến mọi người, khả năng giao tiếp tốt.
  • Rất mạnh trong việc dùng trực giác và cảm giác để đánh giá người khác.
  • Có khả năng liên kết với người khác.
  • Nhiệt tình, đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình.
  • Nhận thức rõ ràng về tương lai.
  • Không thích làm những việc có tính thường ngày.
  • Thích được người khác thừa nhận và hiểu họ.
  • Rất hợp tác và thân thiện.
  • Sáng tạo và năng động.
  • Kĩ năng giao tiếp và viết lách tốt.
  • Là nhà lãnh đạo bẩm sinh, nhưng không thích kiểm soát người khác.
  • Không thích người khác điều khiển mình.
  • Làm việc theo logic và lý trí – dùng trực giác của mình để hiểu rõ mục tiêu và làm cho tới khi hoàn thành thì thôi.
  • Có khả năng thấu hiểu những khái niệm và lý thuyết khó khăn.

ENFP rất may mắn vì họ khá giỏi ở nhiều mặt. Một ENFP có thể đạt được những thành quả cao tại những việc mà họ cảm thấy hứng thú. Tuy nhiên, ENFP rất dễ chán và thường không giỏi lắm trong việc làm cho đến nơi đến chốn. Vì vậy nên họ thường lảng tránh những công việc đòi hỏi phải làm một cách tỉ mẩn, lặp đi lặp lại. Họ sẽ phát huy hết khả năng của mình trong những công việc cho phép họ được thỏa sức sáng tạo những ý tưởng mới hoặc làm việc trong một nhóm. Đối với những việc có tính giới hạn và khuôn khổ thì họ sẽ cảm thấy buồn chán.

3. Nguyên tắc để ENFP đạt được thành công

  • Trau dồi ưu điểm của mình

Tạo cơ hội cho bản thân có những trải nghiệm mới để hiểu rõ cuộc sống hơn.

  • Hãy đối mặt với khuyết điểm của mình

Hãy chấp nhận những điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình. Bằng cách đối mặt với những điểm yếu, bạn có thể vượt qua chúng và chúng sẽ ít có khả năng ảnh hưởng đến bạn.

  • Thể hiện cảm xúc của mình

Đừng để sự tức giận tích lũy trong người bạn. Nếu cảm xúc quá mãnh liệt, hãy bình tĩnh xử lý và thể hiện nó ra bên ngoài, nếu không những cảm xúc đó có thể khiến bạn suy sụp.

  • Hãy quyết đoán

Đừng ngại khi đưa ra một quan điểm hoặc ý kiến. Bạn cần biết cách thể hiện cho người khác thấy tiềm năng và giá trị của một việc để thuyết phục họ điều đó đáng để thực hiện.

  • Mỉm cười với những lời chỉ trích

Hãy coi những sự bất đồng ý kiến và những mối bất hòa là cơ hội để trưởng thành. Hãy cố gắng học cách lắng nghe những phản hồi và tỏ ra khách quan trong cách phản ứng.

  • Hãy cố gắng hiểu người khác

Hãy nhớ rằng còn mười lăm nhóm tính cách khác, những người có cái nhìn khác với bạn. Thường thì mọi việc sẽ giải quyết dễ dàng hơn nếu bạn hiểu được quan điểm của người khác.

  • Thấu hiểu chính bản thân mình

Không nên vì mọi người quá mức mà quên nhu cầu bản thân. Bạn phải hiểu rằng bản thân mình là quan trọng nhất. Nếu bạn không làm cho bản thân mình hài lòng thì không cách nào bạn có thể làm việc hiệu quả và khiến cho mọi người tin tưởng.

  • Chịu trách nhiệm với chính bản thân mình

Đừng lãng phí chất xám của mình vào việc đổ lỗi cho người khác, hoặc cho rằng mình là nạn nhân của việc đó. Chính bạn phải biết làm chủ bản thân mình chứ không ai khác.

  • Hãy tin tưởng vào những điều tốt đẹp nhất

Đừng tự khiến bản thân trở nên bi quan vì những điều tệ hại. Hãy nhớ rằng một thái độ tích cực tạo nên những hoàn cảnh tích cực.

  • Nếu chưa chắc chắn, hãy hỏi lại

Đừng tự đánh đồng việc thiếu những thông tin phản hồi là một với việc nhận được những phản hồi tiêu cực. Nếu bạn cần phản hồi từ người khác, hãy hỏi ngay!

4. ENFP và các mối quan hệ 

Các ENFP rất nghiêm túc trong những mối quan hệ, tuy nhiên lại tiếp cận nó với nhiệt huyết và nỗ lực một cách hồn nhiên. Họ đòi hỏi và yêu cầu sự chân thành và sâu sắc trong các mối quan hệ, và họ sẽ cố gắng hết sức để khiến mọi việc như ý muốn. Họ rất nhiệt tình, chu đáo, đáng tin cậy, và luôn cố gắng nuôi dưỡng các mối quan hệ của mình. Họ có một khả năng giao tiếp cực tốt, và có khả năng truyền cảm hứng và giúp cho người khác bộc lộ hết năng lực mà họ có thể. Năng động và sôi nổi, ENFP rất hay đắm mình trong lửa đam mê cuồng nhiệt, và thường được đánh giá cao bởi sự nồng hậu chân thành và lý tưởng cao đẹp.

Những thế mạnh của ENFP sẽ được biểu lộ ra thông qua những vấn đề liên quan tới đối nhân xử thế:

  • Kỹ năng giao tiếp tốt.
  • Thấu hiểu suy nghĩ và động cơ của người khác.
  • Dùng nhiệt huyết và cảm hứng của mình giúp người khác đạt được kết quả tốt nhất.
  • Rất thân thiện và đáng tin cậy.
  • Vui tính, năng động và lạc quan.
  • Luôn có tư duy “cùng thắng”.
  • Luôn cố gắng đáp ứng nhu cầu của người khác.
  • Rất trung thành và luôn muốn cống hiến.

Điểm cần khắc phục của ENFP:

  • Có xu hướng chìm đắm trong công việc.
  • Nhiệt huyết của họ đôi khi khiến họ trở nên không thực tế.
  • Không thích làm những việc tẻ nhạt như lau chùi, trả tiền hóa đơn…
  • Níu kéo một mối quan hệ đã trở nên tồi tệ.
  • Không thích tranh cãi.
  • Không thích bị phê bình.
  • Nhu cầu có một mối quan hệ hoàn hảo có thể khiến họ thay đổi những mối quan hệ của mình thường xuyên.
  • Rất dễ chán.
  • Khó khăn trong việc la mắng hoặc phạt người khác.
ESFJ – Người chăm sóc (The caregiver)

1. Đặc điểm nhóm tính cách ESFJ

Những người thuộc nhóm ESFJ có lối sống chủ đạo là cảm xúc hướng ngoại, tức là họ cảm nhận thế giới qua cảm xúc của mình và những điều đó được thế giới quan của họ phản ánh như thế nào. Ngoài ra ESFJ còn có một lối sống thứ hai thiên về giác quan hướng nội, nghĩa là họ cảm nhận mọi việc qua năm giác quan của mình một cách cụ thể và rõ ràng.

ESFJ rất thương người. Họ rất thân thiện và ấm áp. Họ sử dụng hai tính cách “Cảm xúc” và “Phán xét” để lấy những thông tin đặc biệt và chi tiết từ người khác và chuyển chúng thành những phán xét hỗ trợ. Họ có khả năng đặc biệt có thể làm bộc lộ được những mặt tốt của người khác. Họ nhanh chóng hiểu người khác nghĩ gì cũng như nắm bắt được ý kiến của mọi người. Mong muốn được yêu quí và có được những điều tốt đẹp đã thúc đẩy ESFJ nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Mọi người muốn ở quanh ESFJ, bởi ESFJ có một khả năng đặc biệt là luôn làm cho người khác có ấn tượng tốt về mình.
ESFJ là người có trách nhiệm cao và luôn độc lập trong mọi việc. Họ đề cao sự an toàn và ổn định, và luôn quan tâm đến những điều chi tiết nhất trong cuộc sống. Họ nhìn thấy được những gì cần phải làm, và sẽ làm mọi thứ để đảm bảo công việc đó được hoàn tất. Họ có hứng thú cũng như rất thành thạo khi làm những công việc này.

ESFJ rất ấm áp và tràn đầy năng lượng. Họ cần sự ủng hộ từ mọi người để cảm thấy tự hào về chính mình. Họ cảm thấy đau buồn khi nhận được sự thờ ơ và bản thân họ không hiểu tại sao con người lại tàn nhẫn với nhau. Họ là người luôn biết cho đi và một khi thấy người khác hạnh phúc, họ sẽ cảm thấy tự mình vui vẻ và thỏa mãn. Họ muốn bản thân mình và những gì mình cho đi được trân trọng và được đánh giá cao. Họ luôn nhạy cảm với mọi người, và sẵn sàng cho đi sự quan tâm thiết thực. ESFJ là mẫu người điển hình của sự quan tâm, và họ sẽ gặp khó khăn trong việc nhìn ra hoặc chấp nhận sự thật không tốt về những người mà họ luôn dành nhiều tình cảm.

Bị cảm xúc chi phối tính cách của mình, ESFJ luôn chú trọng việc thấu hiểu người khác. Họ có nhu cầu rất mạnh mẽ muốn được yêu thương và muốn được ở vị trí quản lý. Họ rất nhạy cảm trong việc thấu hiểu người khác, và họ thường thay đổi cách cư xử của mình để làm hài lòng hơn với những người ngay lúc đó đang ở bên cạnh họ.

Hệ thống giá trị của ESFJ được xác định rõ ràng. Họ thường có những ý tưởng chính xác về mọi việc nên như thế nào, và không ngần ngại bày tỏ ý kiến của mình. Tuy vậy, hệ thống giá trị và đạo đức được họ đặt nặng lên thế giới bên ngoài hơn là đặt lên hệ thống giá trị của riêng họ. Có thể họ có một hệ thống luân thường đạo lý của riêng mình, nhưng nó lại được hình thành từ cộng đồng xung quanh hơn là những giá trị của chính họ.

Những ESFJ được lớn lên và nuôi dạy trong một môi trường với hệ thống giá trị đạo đức tinh túy sẽ là những con người nhân hậu, có tâm hồn rộng lượng và sẵn sàng cho bạn tất cả những gì họ có mà không phải đắn đo gì. Lòng vị tha của họ luôn chân thành và thuần khiết. Những ESFJ không có cơ hội phát triển những giá trị của riêng mình dựa trên những nguyên tắc của thế giới bên ngoài có thể sẽ tạo ra và phát triển những nguyên tắc có vấn đề. Trong những trường hợp như vậy, hầu hết ESFJ thường tin vào những giá trị lệch lạc của họ. Họ không hề có sự hiểu biết gì về những giá trị có thể giúp họ tốt hơn. Trong trường hợp phải cân nhắc những giá trị của mình để ra quyết định, họ sẽ tìm thấy nhiều hỗ trợ cho bất kì sự vi phạm về đạo đức nào mà họ muốn bào chữa. Những ESFJ này thật sự nguy hiểm. Cảm xúc hướng ngoại dẫn dắt họ làm chủ cảm xúc và hành động, còn sự thiếu hụt trực giác ngăn cản họ nhìn nhận vấn đề một cách bao quát. Họ thường rất nổi tiếng và giỏi giao tiếp với mọi người, cũng như giỏi lôi kéo người khác. Không giống người anh em ENFJ, họ không có được trực giác để hiểu được hệ quả của hành động mình gây ra. Họ có xu hướng lôi kéo người khác để đạt được kết quả mình mong muốn, ngay cả khi họ tin rằng mình đang làm theo một hệ thống chuẩn mực đạo đức.

Tất cả ESFJ đều có xu hướng tự nhiên trong việc muốn điều khiển được môi trường xung quanh mình. Ưu thế về cảm xúc hướng ngoại của họ đòi hỏi một kết cấu và tổ chức chặt chẽ, cũng như sự kín đáo. ESFJ hầu hết đều thích hợp với môi trường làm việc có trật tự. Họ không thích làm những công việc trừu tượng, có những định nghĩa lý thuyết, hoặc những phân tích chung chung. Trong cuộc sống của mình, ESFJ nên lưu ý việc muốn điều khiển những người không thích bị người khác quản lí.

ESFJ tôn trọng và tin tưởng luật lệ của chính quyền, và họ nghĩ những người khác cũng nên như vậy. Họ theo truyền thống và thích làm theo lề thói cũ hơn là mạo hiểm theo phương cách mới. Nhu cầu được an toàn đẩy đưa họ chấp nhận và tuyệt đối tuân theo những chính sách của hệ thống luật pháp có sẵn. Điều này làm họ đôi khi mù quáng tuân theo luật mà không cần đặt nghi vấn hoặc hiểu chút gì về chúng.
Những ESFJ lớn lên trong môi trường phát triển kém lí tưởng thường dễ dao động, tất cả những gì họ chú tâm là làm sao để người khác hài lòng. Họ cũng có thể rất tự chủ, hoặc quá nhạy cảm và tưởng tượng ra những ý định xấu dù mọi thứ chẳng có gì.

ESFJ thường gắn với nhiều đặc điểm liên quan đến người phụ nữ trong xã hội của chúng ta. Tuy nhiên, những người đàn ông ESFJ lại thường không xuất hiện với dáng vẻ phụ nữ. Ngược lại, ESFJ luôn nhận thức được vai trò của nam giới cũng như phụ nữ và họ sẽ làm đúng với vai trò của mình trong xã hội này. Những ESFJ nam giới rất nam tính (mặc dù vẫn khá nhạy cảm khi bạn đã khá hiểu họ) và phụ nữ ESFJ cũng rất nữ tính.

ESFJ luôn ấm áp, cảm thông, hay giúp đỡ, hợp tác, khéo léo, thực tế, thấu đáo, kiên định, có tổ chức, nhiệt tình và tràn đầy năng lượng. Họ thích truyền thống và sự an ninh, tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống mà họ có thể giao thiệp và giữ liên lạc với bạn bè và gia đình.

2. ESFJ và sự nghiệp

Cho dù bạn là một thanh niên đang tìm kiếm chỗ đứng trong xã hội, hay một người trưởng thành đang muốn biết xem mình đang đi đúng hướng hay không, thì điều quan trọng là bạn hiểu chính mình và những đặc điểm tính cách có khả năng tác động đến sự thành công hay thất bại của bạn trong những ngành nghề khác nhau. Và cũng không kém phần quan trọng là bạn hiểu được điều gì là thực sự có ý nghĩa đối với bạn. Khi được trang bị những hiểu biết về các điểm mạnh và điểm yếu của mình cùng với sự nhận thức về điều mà bạn thực sự coi trọng, thì bạn đang ở trong một tâm thế rất tốt để chọn cho mình một nghề nghiệp mà bạn cảm thấy xứng đáng.

Các ESFJ thường có một số nét đặc trưng sau: 

  • Có tổ chức.
  • Trung thành.
  • Đáng tin cậy.
  • Thích sáng tạo trật tự, cấu trúc và thời khóa biểu.
  • Thích gây ảnh hưởng với những người khác.
  • Ấm áp và dễ cảm thông.
  • Có xu hướng ưu tiên nhu cầu của người khác.
  • Rất thạo việc chăm sóc người khác.
  • Rất hợp tác, là một thành viên tốt khi làm việc nhóm.
  • Thực tế.
  • Đề cao cuộc sống an toàn và thanh bình.
  • Thích sự đang dạng, làm tốt những công việc thường.
  • Cần sự chấp nhận của người khác.
  • Cảm thấy hài lòng khi cho đi.
  • Sống thực tế – không thích những gì thuộc về tương lai.

ESFJ thường có hai đặc điểm chính có thể giúp họ tìm ra hướng đi đúng cho mình: họ cực kì có tổ chức và thích sáng tạo sự trật tự và họ cảm thấy hài lòng khi cho đi và giúp đỡ người khác. Vì vậy, họ sẽ làm tốt những công việc liên quan đến sáng tạo hoặc duy trì sự trật tự và cấu trúc, và họ sẽ cảm thấy thoải mái nhất khi làm những công việc phục vụ mọi người.

3. Nguyên tắc để ESFJ đạt thành công

  • Trau dồi ưu điểm của mình

Hãy để khả năng chăm sóc và cho đi trời phú của mình lan tỏa ra thế giới bên ngoài, hãy cho cả thế giới biết về món quà trời phú này của bạn. Hãy cho phép mình có được cơ hội chăm sóc và phát triển gia đình và nơi làm việc của bạn, những việc mà sẽ đem lại những giá trị cho bản thân bạn và cả những người khác nữa. Hãy tìm công việc hoặc sở thích nào đó cho phép bạn nhận ra được sức mạnh của mình.

  • Đối mặt với điểm yếu của mình

Bạn nên biết và chấp nhận rằng có những việc sẽ không bao giờ được như mong muốn. Hãy hiểu rằng những người khác cần nhìn nhận thế giới theo cách riêng của họ. Đối mặt và giải quyết với những bất hòa hoặc sự khác biệt của người khác không có nghĩa bạn phải thay đổi bản thân, điều đó có nghĩa bạn cho phép mình có cơ hội trưởng thành. Bằng cách đối mặt với yếu điểm của mình, bạn đang thể hiện sự tôn trọng bản thân mình cũng như tôn trọng những người khác.

  • Hãy khám phá thế giới của người khác

Đừng để bản thân lầm tưởng rằng bạn luôn biết rõ điều gì là tốt đẹp cho những người xung quanh. Hãy mở cửa trái tim để đón nhận cơ hội thấu hiểu nhu cầu thật sự của họ, thông qua việc nhìn nhận rằng cách họ nhìn thế giới này cũng rất đúng đắn nhưng lại có thể khác với cách nhìn của bạn.

  • Đừng quá hấp tấp

Hãy để mọi việc diễn ra tự nhiên trước khi bạn phán xét nó, và cho phép người khác khám phá ra điều gì tốt nhất cho họ trong khi bạn cố gắng tìm hiểu tất cả những thay đổi và những hoàn cảnh bất ngờ.

  • Hãy nhìn nhận thế giới một cách tỉ mỉ

Hãy nhớ rằng, mọi việc thường không như bề ngoài của nó. Bạn cần phải nhìn sâu vào bên trong để khám phá ra sự thật, đặc biệt trong trường hợp mà bạn cảm thấy chắc chắn với quyết định đầu tiên của mình. Ẩn sâu bên trong mọi việc có rất nhiều tầng ý nghĩa và sự thật mà bạn cần khám phá.

  • Thử để người khác gánh vác một phần công việc

Bằng cách để người khác đưa ra ý kiến riêng của mình, bạn không chỉ có thể điều khiển được mọi việc mà còn công nhận họ như một phần cuộc sống của bạn. Hãy nhớ rằng, sẽ tốt hơn nếu bạn giúp người khác hiểu được ý kiến của bạn hơn là để họ không biết gì cả.

  • Chịu trách nhiệm trước những người khác

Hãy nhớ rằng họ cần hiểu bạn và chính bạn cũng vậy. Bày tỏ ý kiến về sự ngờ vực và những khó khăn cũng như những lí do của mình để họ có thể trở thành người bạn đồng hành của bạn trên con đường đạt được mục tiêu.

  • Đừng tự nhốt mình

Ở trong vùng an toàn của mình, suy cho cùng rồi cũng sẽ tự chuốc lấy thất bại. Hãy biến chuỗi ngày của mình là những ngày mà bạn bước ra thế giới ngoài kia và khám phá ra được nhiều điều hay. Điều này sẽ giúp bạn mở rộng sự hiểu biết và chú trọng những ý tưởng cũng như cơ hội mới.

  • Hãy tin tưởng vào những điều tốt đẹp nhất

Đừng đợi người khác làm theo ý bạn. Mỗi người đều có giá trị riêng, cũng như hoàn cảnh đều có thể trở thành điều tốt đẹp. Nếu tin vào điều này, bạn sẽ tìm được cách biến nó thành sự thật.

  • Nếu chưa chắc chắn, hãy hỏi lại

Đừng tự đánh đồng việc thiếu những thông tin phản hồi là một với việc nhận được những phản hồi tiêu cực. Nếu bạn cần phản hồi từ người khác, hãy hỏi ngay!

4. ESFJ và các mối quan hệ

ESFJ sống rất tình cảm và luôn đánh giá cao những mối quan hệ thân thiết cá nhân. Họ luôn muốn phục vụ người khác, và hạnh phúc của riêng họ là được thấy những người thân yêu bên cạnh mình sống vui vẻ. Họ được đánh giá cao bởi sự ấm áp chân thành và bản chất quan tâm của mình, cũng như khả năng đặc biệt có thể phát triển những mặt tốt nhất của người khác. Họ thường không giỏi giải quyết xung đột, nhưng thường có xu hướng rất điềm tĩnh và thuyết phục. Những mối quan hệ được đặt làm trọng tâm trong cuộc sống của họ, và họ luôn nỗ lực hết mình để phát triển và duy trì những mối quan hệ cá nhân. Họ cũng mong muốn có được điều này từ những người khác.

Điểm mạnh của ESFJ:

  • Nỗ lực và cố gắng không ngừng để hoàn thành nghĩa vụ và bổn phận của mình.
  • Bản chất của họ là ấm áp, thân thiện và luôn hỗ trợ người khác.
  • Thích giúp đỡ người khác.
  • Luôn nghiêm túc trong mọi mối quan hệ, và tìm kiếm mối quan hệ lâu dài.
  • Trách nghiệm và thực tế, có thể nhờ họ lo việc chăm sóc hàng ngày.
  • Lạc quan và được mọi người biết đến, họ thường rất quyến rũ.
  • Giỏi quản lí tiền bạc.
  • Có tư tưởng truyền thống và hướng về cội nguồn, họ là người thường tổ chức những sự kiện truyền thống đặc biệt của gia đình.

Điểm yếu của ESFJ:

  • Thường không linh hoạt trước những hay đổi hoặc khi chuyển đến nơi khác sống.
  • Không thích xung đột và phê phán.
  • Cần nhiều sự khẳng định để cảm thấy hài lòng về bản thân.
  • Quá coi trọng danh vọng và quá quan tâm đến cách mọi người nhìn mình.
  • Gặp khó khăn khi chấp nhận một mối quan hệ tan vỡ, và luôn tự cho đó là lỗi của mình.
  • Khó chấp nhận những mặt tiêu cực của những người thân bên cạnh họ.
  • Ít chú ý đến những nhu cầu cá nhân, luôn tự hy sinh vì người khác.
  • Có thể có xu hướng làm những điều sai trái để có được thứ họ muốn.
ESFP – Người trình diễn (The performer)

1. Đặc điểm của nhóm tính cách ESFP

Những người thuộc nhóm ESFP có lối sống chủ đạo là giác quan hướng ngoại, tức là họ cảm nhận thế giới bằng năm giác quan của họ theo một cách cụ thể và rõ ràng. Ngoài ra, ESFP còn có một lối sống thứ hai của là cảm xúc hướng nội, là nơi họ tương tác với mọi thứ theo cách họ cảm nhận chúng, hoặc cách mà chúng thích hợp với giá trị sống của bản thân họ.

Những người ESFP sống trong thế giới của những người không-có-gì-là-không-thể. Họ yêu mọi người và những trải nghiệm mới mẻ. Họ rất sống động, hài hước và thích làm trung tâm của sự chú ý. Họ sống theo kiểu “ngay ở đây-ngay bây giờ” và thêm vào “gia vị” náo động lẫn kịch tính vào cuộc sống của mình.

ESFP có kĩ năng giao tiếp rất tốt, và có thể hay bắt gặp chính họ trong vai trò của người giảng hòa. Vì họ đưa ra quyết định bằng cách dùng những giá trị bản thân của mình, họ thường rất thông cảm và quan tâm đến sự hài lòng của người khác. Họ cũng là người khá rộng lượng và nồng hậu. Họ rất tinh ý với người khác và có vẻ như cảm nhận được người đó đang gặp chuyện gì trước khi những người khác nhận ra, và sẽ nhiệt tình đưa ra giải pháp cần thiết. Có thể họ không phải là một người cho lời khuyên hay nhất-quả-đất bởi vì họ không thích lý thuyết và lên kế hoạch cho tương lai, nhưng họ lại rất tuyệt trong việc mang đến sự chăm sóc thiết thực.

ESFP hẳn là một cá nhân đầy tính tự phát và lạc quan. Họ thích được vui vẻ. Nếu ESFP chưa phát huy được khả năng tư duy của mình thông qua việc chú tâm hơn việc xử lý thông tin một cách rõ ràng thì họ có xu hướng trở nên cực kì đam mê và đặt xem trọng vào những cảm giác và sự hài lòng tức thời hơn là nghĩa vụ và trách nhiệm của họ. Họ cũng có thể tránh né việc nhìn thấy hậu quả lâu dài cho hành động của mình.

Đối với những người ESFP, cả thế giới giống như một sân khấu. Họ thích được làm trung tâm của sự chú ý và trình diễn trước mọi người. Họ thường cố tình diễn trò để làm vui người khác. Họ thích việc khuấy động các giác quan của người khác và cực kì tài giỏi ở lĩnh vực này. Họ không thích gì hơn là làm cho cuộc sống như một bữa tiệc bất tận, nơi mà họ đóng vai một chủ nhà vui tính nồng nhiệt.

ESFP yêu mến mọi người và mọi người đều yêu mến ESFP. Một trong những khả năng của họ là khả năng chấp nhận tất cả mọi người. Họ rất lạc quan và nhiệt tình, và thành thật với hầu hết mọi người. Một ESFP luôn luôn nồng ấm và rộng lượng với bạn bè, và hầu như đối xử với tất cả mọi người như một người bạn. Tuy nhiên, một ESFP sẽ phản ứng lại rất mạnh mẽ và rất cứng đầu chống lại người đã qua mặt họ. Thường thì họ cực kì không thích gặp phải trường hợp như vậy.

Một ESFP khi bị căng thẳng cực độ sẽ vùi mình vào những suy nghĩ tiêu cực và hình dung ra những tình huống tồi tệ. Là một cá nhân lạc quan sống trong thế giới của những điều khả thi, những hình ảnh tiêu cực hoàn toàn không làm họ hài lòng. Trong nỗ lực đánh bại những suy nghĩ này, họ thường đưa ra những phát biểu đơn giản và mang tính tổng thể để giải quyết cho qua vấn đề đó. Những lí giải được đơn giản hóa này có thể có hoặc không liên quan đến bản chất của vấn đề, nhưng chúng thỏa mãn những người ESFP bằng việc cho phép họ vượt qua nó.

Những người ESFP thường rất thực tế dù là họ ghét khuôn mẫu và những việc lặp đi lặp lại. Họ thích “hòa theo dòng chảy”, tin tưởng vào khả năng của mình để ứng biến trong bất cứ tình huống nào xảy đến với họ. Họ tiếp thu tốt nhất với những kinh nghiệm thực tế hơn là học trên sách vở. Họ thấy khó chịu với lý thuyết. Nếu một ESFP chưa phát triển được mặt trực giác của mình, họ thường có xu hướng tránh các tình huống bao gồm nhiều suy luận lý thuyết hoặc những cái phức tạp và mơ hồ. Với lí do này, ESFP thường gặp khó khăn trong trường học. Ngược lại, ESFP thể hiện cực kì xuất sắc trong những hoàn cảnh cho phép họ được học qua việc tương tác với những người khác, hoặc học qua việc thực hành.

ESFP được đánh giá cao về khiếu thẩm mĩ, và nhận thức tốt về hình học không gian và hàm số. Nếu có điều kiện, họ thường sẽ muốn sở hữu những vật dụng đẹp và một ngôi nhà được trang trí khéo léo. Nói chung, họ tìm thấy niềm vui ở những vật có vẻ đẹp thẩm mĩ. Họ hiểu rõ giá trị của những tinh túy trong cuộc sống, ví dụ như thức ăn ngon và rượu ngon.

ESFP là người chơi theo nhóm rất tốt. Anh/cô ấy không hay gây ra rắc rối hoặc làm ầm lên, mà thường tạo ra một môi trường vui nhộn nhất để giúp cho công việc hoàn thành. Những người ESFP sẽ làm nhiệm vụ của mình tốt nhất trong những công việc mà họ có thể sử dụng kĩ năng giao tiếp xuất sắc của mình, cùng với khả năng hòa trộn các ý tưởng thành một khối đồng nhất. Bởi vì là những cá nhân nhạy bén, họ nên chọn những công việc đòi hỏi nhiều tính đa dạng cũng như đòi hỏi kĩ năng giao tiếp tốt.

ESFP thường luôn có cảm giác liên kết mạnh mẽ với người khác và có mối liên kết với động vật và trẻ nhỏ, việc này thường không thể hiện trong hầu hết những loại tính cách khác. Họ cũng có đánh giá cao đối với vẻ đẹp của thiên nhiên.

ESFP có một tình yêu bao la dành cho cuộc sống và biết cách tạo niềm vui. Họ thích mang lại cho người khác niềm vui. Họ rất linh động, dễ thích nghi, yêu mến một cách chân thành với mọi người và thường rất tốt bụng. Họ có một khả năng đặc biệt trong việc tìm niềm vui trong cuộc sống nhưng họ cần phải cẩn thận với việc chỉ sống hoàn toàn với hiện tại.

2. ESFP và sự nghiệp

Cho dù bạn là một thanh niên đang tìm kiếm chỗ đứng trong xã hội, hay một người trưởng thành đang cố tìm hiểu xem mình đang đi đúng hướng hay không, thì điều quan trọng là bạn hiểu chính mình và những đặc điểm tính cách sẽ có tác động đến khả năng thành công hay thất bại ở một số ngành nghề khác nhau. Và cũng không kém phần quan trọng là bạn hiểu được điều gì là thực sự có ý nghĩa đối với bạn. Khi được trang bị những hiểu biết về các điểm mạnh và điểm yếu của mình, đồng thời với sự nhận thức về điều mà bạn thực sự đánh giá cao, thì bạn đang có một điều kiện tốt để lựa chọn nghề nghiệp mà bạn cảm thấy xứng đáng.

Các ESFP thường có một số nét đặc trưng sau:

  • Sống với hiện tại.
  • Dễ bị kích thích và hứng thú bởi những trải nghiệm mới.
  • Thực tế và thiết thực.
  • Yêu thích mọi người một cách chân thành.
  • Biết cách tận hưởng niềm vui, và biết làm cách nào để tạo niềm vui cho người khác.
  • Tự lập và tháo vát.
  • Làm việc theo cảm hứng – hiếm khi lên kế hoạch trước.
  • Ghét phải theo khuôn mẫu và sự sắp đặt.
  • Không thích lý thuyết và các giải thích dài dòng.
  • Cảm thấy có mối liên kết đặc biệt với động vật và trẻ em.
  • Phát triển mạnh về mặt đánh giá thẩm mĩ.
  • Kỹ năng giao tiếp tốt.

ESFP giỏi trong nhiều lĩnh vực nhưng sẽ không hạnh phúc trừ khi họ được tiếp xúc với nhiều người và nhiều kinh nghiệm mới. Họ nên chọn những công việc tạo cho họ cơ hội sử dụng những kĩ năng giao tiếp tuyệt vời và khả năng vẽ nên viễn cảnh thực tế của họ, những thứ cũng sẽ mang đến cho họ những thách thức mới mà họ sẽ không cảm thấy chán.

3. Nguyên tắc để ESFP đạt được thành công

  • Trau dồi ưu điểm của mình

Phát triển khả năng biểu cảm tự nhiên và những kĩ năng thực hành của bạn. Ấp ủ những trân trọng về thế giới của bạn. Hãy cho bản thân bạn cơ hội tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn.

  • Đối mặt với khuyết điểm của mình

Chấp nhận những mặt mạnh và yếu của bạn. Đối diện và thỏa hiệp với khuyết điểm không có nghĩa là bạn phải thay đổi con người mình, mà nó có nghĩa là nếu bạn muốn trở thành người tuyệt nhất, bạn có thể. Qua cách đối mặt với những điểm yếu, bạn cảm thấy quý trọng con người thật của mình hơn là chống lại nó.

  • Thể hiện cảm xúc của mình

Đừng để những lo lắng tích tụ bên trong bạn. Nếu bạn gặp khó khăn vì nghi ngờ hay sợ hãi, hãy chia sẻ với những người thân nhất của bạn, những người sẵn sàng lắng nghe và đưa ra lời khuyên. Đừng mắc sai lầm về việc nói cho qua chuyện.

  • Lắng nghe mọi thứ

Hãy cố gắng đừng chấp nhận mọi thứ qua giá trị bề ngoài. Hãy để mọi thứ lắng đọng lại và lắng nghe sự mách bảo của cảm giác của chính bạn.

  • Mỉm cười với những lời chỉ trích

Hãy nhớ rằng sẽ luôn có người không hiểu bạn hoặc không đồng tình với bạn, dẫu cho họ xem trọng bạn thế nào. Cố gắng xem chúng như một lợi thế để phát triển – và thật sự đúng là như vậy. Bạn sẽ trở nên tốt hơn nếu biết lắng nghe những lời góp ý từ người khác.

  • Hãy cố gắng hiểu người khác

Hãy nhớ rằng còn có mười lăm nhóm tính cách khác, những người có cái nhìn khác so với bạn. Cố gắng tìm hiểu họ thuộc nhóm người nào và tìm hiểu về con người của họ.

  • Chịu trách nhiệm với chính bản thân mình

Hãy nhớ rằng mỗi lời nói và hành động của bạn đều tác động đến mọi thứ xung quanh bạn. Vì vậy việc bạn nhận hoàn toàn trách nhiệm và tin tưởng vào những chuẩn mực của bạn là rất quan trọng.

  • Hãy biết chấp nhận

Bạn sẽ luôn gặp thất vọng với những người khác nếu bạn kỳ vọng quá nhiều vào họ. Thất vọng với người khác sẽ chỉ đẩy họ ra xa khỏi bạn mà thôi. Hãy đối xử với mọi người hòa nhã theo cách bạn muốn người ta đối xử với bạn.

  • Hãy tin tưởng vào những điều tốt đẹp nhất

Đừng làm bản thân bạn cảm thấy đau buồn bằng cách khoác lên mình những khuyết điểm. Hãy nhớ là một thái độ tích cực thường tạo ra những hoàn cảnh tích cực.

  • Nếu chưa chắc chắn, hãy đi hỏi

Nếu cảm thấy điều gì đó không ổn mà bạn không thể giải quyết được thì biết đâu người khác có thể. Hãy nhớ rằng có nhiều cách để giải quyết vấn và biết đâu đấy cách của người khác lại chính là câu trả lời!

4. ESFP và các mối quan hệ

ESFP rất vui tính và thú vị khi tiếp xúc. Họ sống với hiện tại và biết cách làm cho mỗi giây phút đó trở nên tuyệt nhất. Họ thích thú một cách chân thành và ấm áp với người khác, và yêu thích việc làm cho người khác hạnh phúc. Họ thường rất tốt bụng và hào phóng và luôn hết mình làm những điều tốt cho người khác. Cách thể hiện tình cảm của họ đơn giản, thẳng thắn và chân thành. Họ không thích lí thuyết và sự phức tạp. Họ thường chống lại những mối quan hệ đòi hỏi họ phải sử dụng trực giác hay suy nghĩ nhiều. Họ thích mọi thứ phải vui vẻ và đằm thắm dù cho tình cảm hay sự nồng nhiệt của họ rất sâu sắc. Khuyết điểm của họ là sống hết mình cho thời điểm hiện tại, do đó đôi khi không nhận ra hướng đi của các mối quan hệ hoặc dễ dàng bị xao nhãng khỏi mục tiêu của mình.

Điểm mạnh của ESFP:

  • Nhiệt tình và vui vẻ, họ biến mọi thứ trở nên thú vị.
  • Thông minh, dí dỏm, thẳng tính và được lòng mọi người.
  • Mộc mạc và gợi cảm.
  • Thực tế và có khả năng chăm sóc tốt các nhu cầu hàng ngày.
  • Có tính nghệ sĩ và sáng tạo, họ thường có một tổ ấm đáng yêu.
  • Linh động và đa dạng, họ hòa đồng cực kì tốt.
  • Họ có thể chấm dứt một mối quan hệ tồi mặc dù điều đó không hề dễ dàng.
  • Luôn hết mình trong từng giây phút.
  • Rộng lượng và tốt bụng.

Điểm yếu của ESFP:

  • Sử dụng tiền bạc một cách lãng phí.
  • Thiên về vật chất.
  • Cực kì không thích sự chỉ trích, có xu hướng giữ riêng những điều cực kì riêng tư.
  • Có xu hướng trốn thoát hay bỏ mặc những tình huống mâu thuẫn hơn là đối diện với chúng.
  • Những cam kết suốt cuộc đời có thể là cả một cuộc đấu tranh với họ – họ cần thời gian rất lâu để suy nghĩ về điều này.
  • Không chú ý nhiều đến chính nhu cầu của mình.
  • Có xu hướng không quan tâm đến sức khỏe của mình, và thậm chí còn đối xử tệ bạc với chính cơ thể của mình.
  • Luôn hứng thú với những điều mới lạ, họ có thể hay đi tìm những niềm vui mới.

Thông tin khác

Phạm vi việc làm

Các trường Tiểu học trên khắp cả nước.

Yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ

  • Bằng tốt nghiệp Đại học – Chuyên ngành Sư phạm Giáo dục Tiểu học, ngành Giáo dục Tiểu học…
  • Chứng chỉ Nghiệp vụ Sư phạm.
  • Chứng chỉ tin học văn phòng.
  • Chứng chỉ ngoại ngữ.
Mục nhập này đã được đăng trong . Đánh dấu trang permalink.