Là người cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho bác sĩ thú y tương tự như hỗ trợ mà y tá cung cấp cho bác sĩ. Ngoại trừ việc đưa ra các chẩn đoán, sử dụng thuốc và thực hiện phẫu thuật, chúng thường có khả năng thực hiện bất kỳ công việc nào do bác sĩ thú y giao.
Yêu cầu nghề nghiệp
Nhiệm vụ
- Lấy và xét nghiệm mẫu máu, nước tiểu và phân cho động vật.
- Chuẩn bị động vật để phẫu thuật, bao gồm cả việc gây mê.
- Hỗ trợ bác sĩ thú y trong quá trình phẫu thuật.
- Tiêm phòng và dùng thuốc dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ thú y.
- Phỏng vấn chủ sở hữu vật nuôi để khám phá và ghi lại lịch sử trường hợp vật nuôi.
- Theo dõi và báo cáo về hành vi và tình trạng của vật nuôi.
- Chăm sóc vật nuôi hằng ngày.
- Ghi chép số liệu hằng ngày liên quan đến đối tượng vật nuôi kỹ thuật viên phụ trách (lượng ăn, năng suất…).
- Phối trộn thức ăn cho vật nuôi theo công thức và quy trình của trại.
- Xử lý, điều trị vật nuôi bệnh, gặp vấn đề.
- Tiêm ngừa vắc-xin cho heo định kỳ theo quy trình của trại.
- Báo cáo hằng tuần cho Trưởng phòng Kỹ thuật hoặc báo cáo ngay khi có trường hợp khẩn cấp cần xử lý
- Vệ sinh chuồng trại, khu vực mình phụ trách.
- Đáp ứng công việc phát sinh mà trại cần hỗ trợ.
Khả năng cần có
- Nhiệt huyết, biết lắng nghe.
- Yêu động vật, vui vẻ, hòa đồng.
- Chịu khó, nghiêm túc trong công việc.
- Có tinh thần trách nhiệm.
- Có tinh thần cầu tiến.
- Đạo đức tốt, yêu nghề.
- Sức khỏe tốt, chịu được áp lực công việc.
- Có định hướng và mục tiêu công việc rõ ràng.
Kiến thức chuyên ngành
- Chuyên môn đào tạo: Kỹ sư chăn nuôi – thú y hoặc bác sĩ thú y.
- Có hiểu biết và kinh nghiệm về chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa.
- Kiến thức về động vật học.
- Kiến thức sinh lý, hóa sinh, giải phẫu.
- Kiến thức chăn nuôi – thú y.
- Kiến thức về dược lý, dược liệu.
- Kiến thức về dịch tễ.
Kỹ năng (nghiệp vụ, kỹ năng mềm,…)
Kỹ năng cơ bản
- Kỹ năng quan sát, xử lý tình huống.
- Kỹ năng giao tiếp, tư vấn, thuyết phục.
- Kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm.
Kỹ năng nghiệp vụ
- Thực hiện thành thạo các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng, phi lâm sàng và lấy mẫu bệnh phẩm ứng dụng trong chẩn đoán, phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi.
- Sử dụng được thành thạo một số máy móc, phương tiện hiện đại trong lĩnh vực chuyên môn thú y.
- Đưa ra kết luận chẩn đoán sơ bộ và biện pháp phòng trị khi gặp một ca bệnh, ổ dịch; lên kế hoạch xử lý, phối hợp với các bộ phận liên quan để đạt hiệu quả công việc.
- Sử dụng thành thạo các loại vắc-xin, thuốc, hóa dược và dược liệu trong phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi.
- Tổ chức các dịch vụ thú y, tạo mối liên hệ giữa các tổ chức thú y, cung cấp trao đổi thông tin giữa các tổ chức dịch vụ thú y.
- Phân tích được các yếu tố nguy cơ trong vệ sinh an toàn thực phẩm; Thực hiện các quy trình kiểm soát vệ sinh giết mổ.
- Kiểm soát được các bệnh truyền lây thông qua lấy mẫu, chẩn đoán, theo dõi nguồn bệnh và sự lan truyền của bệnh, thực hiện các điều tra về bệnh;
- Thực hiện được các phương pháp kiểm soát sự di chuyển của động vật và sản phẩm động vật, cách ly các động vật mắc bệnh, khoanh vùng các đối tượng, khu vực mắc và nghi mắc, tiêu hủy các động vật và sản phẩm bị nhiễm bệnh.
Công cụ nghề nghiệp
Máy móc, thiết bị
Các máy móc, trang thiết bị, dụng cụ chăm sóc, thăm khám, điều trị bệnh cho thú cưng.
Công cụ phần mềm
Các phần mềm phục vụ quá trình thăm khám, điều trị bệnh cho thú cưng.
Sở thích, tính cách
Vị trí nghề nghiệp này thường phù hợp với người có sở thích, tính cách sau:
1. Đặc điểm của nhóm tính cách ENFP
Những người thuộc nhóm ENFP có lối sống chủ đạo là trực giác hướng ngoại, họ nhận biết thế giới qua trực giác của mình. Lối sống thứ hai là cảm xúc nội tâm, họ xử lý mọi việc theo cách mà họ cảm nhận chúng, hoặc những việc đó có phù hợp với chuẩn mực của bản thân họ hay không.
Các ENFP rất thân thiện, nhiệt tình, thông minh và có tố chất. Họ coi thế giới này đầy ắp những cơ hội, và họ luôn cảm thấy say mê và hứng thú với mọi thứ. Sự hăng hái nhiệt tình của họ giúp họ có khả năng truyền cảm hứng và động lực cho người khác hơn bất kì loại tính cách nào. Họ có khả năng thuyết phục mọi người về bất cứ điều gì. Họ yêu cuộc sống và nhìn nhận nó như là một món quà đặc biệt đối với họ, và họ luôn sống hết mình để xứng đáng với món quà đó.
ENFP là những người có năng lực và nhiều kĩ năng. Họ đạt hiệu quả cao khi làm những việc họ thực sự hứng thú. Ưa thích những công việc ngắn hạn, trong suốt sự nghiệp của mình họ có thể trải qua nhiều công việc khác nhau. Đối với người ngoài thì có vẻ như ENFP không có định hướng và mục tiêu rõ ràng, nhưng thực tế thì ENFP rất kiên định bởi vì họ có một ý thức rất lớn về giá trị bản thân của mình. Những gì họ làm phải tương xứng với giá trị của bản thân họ. ENFP luôn muốn được sống thật với con người của mình, làm những gì mà họ tin là đúng đắn. Họ nhìn thấy ý nghĩa trong mọi việc xung quanh mình, và họ luôn cố gắng tìm cách thích nghi với cuộc sống và giá trị của bản thân mình để đạt được sự thanh thản trong tâm hồn. Họ luôn luôn ý thức và thậm chí sợ hãi việc đánh mất chính mình. Do cảm hứng là một phần thiết yếu trong cuộc đời của ENFP, và cũng bởi vì họ luôn cố gắng giữ “trung điểm”, ENFP thường là một cá nhân đầy nhiêt huyết, với nhiều lý tưởng tiên tiến.
Một ENFP cần phải tập trung vào hoàn thành công việc của mình. Chính vì vậy mà đây là một rắc rối mà một số cá thể mắc phải. Không như các nhóm hướng ngoại khác, các ENFP cần phải có một khoảng thời gian riêng để cân bằng bản thân và chắc chắn rằng họ đang làm đúng với những gì phù hợp với giá trị của họ. Những ENFP có khả năng cân bằng bản thân mình thường là những người rất thành công. Ngược lại, những ENFP khác có thể mắc phải một thói quen đó là bỏ ngang một dự án nào đó nếu họ thấy một dự án mới mang nhiều tiềm năng hơn. Chính vì thế mà họ không bao giờ đạt được những kết quả thực sự đáng kể cho dù họ có khả năng làm được những điều đó.
Hầu hết ENFP có kỹ năng tương tác tốt. Họ thường nồng hậu và quan tâm đến mọi người, và xem trọng các mối quan hệ xã hội. Các ENFP có một nhu cầu mãnh liệt muốn được mọi người quý mến. Đôi lúc, đặc biệt là ở giai đoạn thiếu niên, một ENFP thường có xu hướng “vồn vã” và không thành thật, và thường hành động một cách quá trớn để dành được sự thừa nhận của người khác. Tuy nhiên, một khi ENFP đã học được cách cân bằng nhu cầu được sống thật với bản thân cũng như nhu cầu muốn được thừa nhận của mình, thì họ trở nên rất giỏi trong việc giúp người khác thể hiện điểm mạnh của mình và nhờ đó mà họ luôn được quý mến. Họ có một khả năng trời phú trong việc thấu hiểu một người chỉ qua một khoảng thời gian ngắn tiếp xúc, và họ dùng khả năng ấy cùng sự linh hoạt của mình để tạo dựng quan hệ đối với người khác.
Do thế giới của các ENFP luôn tràn đầy những cơ hội hấp dẫn nên những việc làm đời thường trở thành một cái gì đó tẻ nhạt với họ. Họ không chú trọng đến những dạng công việc mang tính chất quá chi tiết và tẻ nhạt, và thường thì họ sẽ để cho chúng rơi vào quên lãng. Họ sẽ cảm thấy không chút hứng thú gì nếu bị bắt phải làm những dạng công việc đó. Chính vì thế nên đây là một thử thách rất lớn trong cuộc sống của hầu hết các ENFP, và đôi khi gây ra những xung đột giữa các thành viên trong gia đình.
Một ENFP “đi sai đường” có thể trở thành một người thích kiểm soát – và họ đặc biệt rất giỏi trong vấn đề đó. Khả năng thiên phú trong giao tiếp khiến cho họ dễ dàng đạt được những gì mà họ muốn. Hầu hết các ENFP sẽ không lạm dụng khả năng này bởi vì như thế là đi ngược lại với giá trị bản thân của họ.
Đôi khi các ENFP thường đưa ra những phán quyết sai lầm trầm trọng. Họ có một khả năng tuyệt vời trong việc dùng trực giác để nhận thức sự thật về một người hoặc một tình huống nào đó, nhưng khi họ dùng óc suy xét của mình thì nó có thể đưa họ đến một kết luận sai lầm.
Những ENFP nào chưa học được cách làm việc gì đó tới cùng thường gặp khó khăn trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình. Luôn luôn đoán được những khả năng có thể xảy ra nên họ có xu hướng chán ngán với những gì đang có ở thực tại. Ý thức mạnh mẽ về giá trị của mình sẽ giúp cho đa số ENFP luôn hết lòng với các mối quan hệ của mình. Tuy nhiên, các ENFP thường thích một chút gì đó mới lạ trong cuộc sống của mình, nên họ thích xây dựng mối quan hệ với những người cảm thấy thoải mái với những sự thay đổi và thích trải nghiệm những thứ mới lạ.
Những đứa trẻ có cha mẹ thuộc loại ENFP có thể sẽ trải qua những trải nghiệm thú vị, nhưng đôi lúc cũng khiến cho những đứa trẻ mạnh về Giác Quan hoặc Nguyên Tắc cảm thấy căng thẳng. Những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi vòng xoáy cuộc sống của những bậc cha mẹ ENFP sẽ cho rằng họ đầy mâu thuẫn và khó hiểu. Đôi lúc các bậc cha mẹ này muốn là bạn thân nhất của con mình, nhưng đôi lúc họ lại đóng vai những ông bố bà mẹ khó tính. Nhưng các ENFP luôn luôn nhất quán với những giá trị của bản thân mình, và điều này gây nên một ảnh hưởng to lớn đối với con cái của họ.
Về căn bản thì các ENFP là những người rất hạnh phúc. Một khi bị bó buộc vào một thời gian biểu chặt chẽ hoặc những công việc tẻ nhạt thì họ cảm thấy không thoải mái. Các ENFP làm việc hiệu quả nhất trong một môi trường linh động hoặc khi họ làm việc trong một nhóm. Họ có khả năng làm việc độc lập tốt. Họ có thể tự hoàn thành tốt công việc mà không cần sự giám sát, miễn là công việc được giao đủ hấp dẫn với họ.
Bởi vì họ luôn cảnh giác và nhạy cảm, luôn quan sát xung quanh, ENFP thường bị tình trạng quá tải cơ địa do căng thẳng. Họ có nhu cầu lớn được độc lập, và luôn chống lại việc bị kiểm soát hoặc gán ghép. Họ muốn toàn quyền kiểm soát bản thân mình nhưng lại không thích kiểm soát người khác. Họ không thích thấy người khác trở nên phụ thuộc hoặc bị kìm hãm cũng như thấy chính bản thân mình bị như thế.
ENFP là những cá nhân quyến rũ, chân thật, thích mạo hiểm, nhạy cảm, quan tâm đến người khác và sở hữu một loạt những năng lực khác nhau. Họ dùng những tài năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân cũng như cho những người thân thiết với họ, dĩ nhiên là trong trường hợp họ có khả năng cân bằng cuộc sống và hoàn thiện khả năng hết mình vì công việc của họ.
2. ENFP và sự nghiệp
Cho dù bạn là một thanh niên đang tìm kiếm chỗ đứng trong xã hội, hay một người trưởng thành đang cố tìm hiểu xem mình đang đi đúng hướng hay không, thì điều quan trọng là bạn hiểu chính mình và những đặc điểm tính cách sẽ có tác động đến khả năng thành công hay thất bại ở một số ngành nghề khác nhau. Và cũng không kém phần quan trọng là bạn hiểu được điều gì là thực sự có ý nghĩa đối với bạn. Khi được trang bị những hiểu biết về các điểm mạnh và điểm yếu của mình, đồng thời với sự nhận thức về điều mà bạn thực sự đánh giá cao, thì bạn đang có một điều kiện tốt để lựa chọn nghề nghiệp mà bạn cảm thấy xứng đáng.
Các ENFP thường có một số nét đặc trưng sau:
- Có nhiều mục tiêu ngắn hạn.
- Thông minh và bản lĩnh.
- Thân thiện, quan tâm đến mọi người, khả năng giao tiếp tốt.
- Rất mạnh trong việc dùng trực giác và cảm giác để đánh giá người khác.
- Có khả năng liên kết với người khác.
- Nhiệt tình, đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình.
- Nhận thức rõ ràng về tương lai.
- Không thích làm những việc có tính thường ngày.
- Thích được người khác thừa nhận và hiểu họ.
- Rất hợp tác và thân thiện.
- Sáng tạo và năng động.
- Kĩ năng giao tiếp và viết lách tốt.
- Là nhà lãnh đạo bẩm sinh, nhưng không thích kiểm soát người khác.
- Không thích người khác điều khiển mình.
- Làm việc theo logic và lý trí – dùng trực giác của mình để hiểu rõ mục tiêu và làm cho tới khi hoàn thành thì thôi.
- Có khả năng thấu hiểu những khái niệm và lý thuyết khó khăn.
ENFP rất may mắn vì họ khá giỏi ở nhiều mặt. Một ENFP có thể đạt được những thành quả cao tại những việc mà họ cảm thấy hứng thú. Tuy nhiên, ENFP rất dễ chán và thường không giỏi lắm trong việc làm cho đến nơi đến chốn. Vì vậy nên họ thường lảng tránh những công việc đòi hỏi phải làm một cách tỉ mẩn, lặp đi lặp lại. Họ sẽ phát huy hết khả năng của mình trong những công việc cho phép họ được thỏa sức sáng tạo những ý tưởng mới hoặc làm việc trong một nhóm. Đối với những việc có tính giới hạn và khuôn khổ thì họ sẽ cảm thấy buồn chán.
3. Nguyên tắc để ENFP đạt được thành công
- Trau dồi ưu điểm của mình
Tạo cơ hội cho bản thân có những trải nghiệm mới để hiểu rõ cuộc sống hơn.
- Hãy đối mặt với khuyết điểm của mình
Hãy chấp nhận những điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình. Bằng cách đối mặt với những điểm yếu, bạn có thể vượt qua chúng và chúng sẽ ít có khả năng ảnh hưởng đến bạn.
- Thể hiện cảm xúc của mình
Đừng để sự tức giận tích lũy trong người bạn. Nếu cảm xúc quá mãnh liệt, hãy bình tĩnh xử lý và thể hiện nó ra bên ngoài, nếu không những cảm xúc đó có thể khiến bạn suy sụp.
- Hãy quyết đoán
Đừng ngại khi đưa ra một quan điểm hoặc ý kiến. Bạn cần biết cách thể hiện cho người khác thấy tiềm năng và giá trị của một việc để thuyết phục họ điều đó đáng để thực hiện.
- Mỉm cười với những lời chỉ trích
Hãy coi những sự bất đồng ý kiến và những mối bất hòa là cơ hội để trưởng thành. Hãy cố gắng học cách lắng nghe những phản hồi và tỏ ra khách quan trong cách phản ứng.
- Hãy cố gắng hiểu người khác
Hãy nhớ rằng còn mười lăm nhóm tính cách khác, những người có cái nhìn khác với bạn. Thường thì mọi việc sẽ giải quyết dễ dàng hơn nếu bạn hiểu được quan điểm của người khác.
- Thấu hiểu chính bản thân mình
Không nên vì mọi người quá mức mà quên nhu cầu bản thân. Bạn phải hiểu rằng bản thân mình là quan trọng nhất. Nếu bạn không làm cho bản thân mình hài lòng thì không cách nào bạn có thể làm việc hiệu quả và khiến cho mọi người tin tưởng.
- Chịu trách nhiệm với chính bản thân mình
Đừng lãng phí chất xám của mình vào việc đổ lỗi cho người khác, hoặc cho rằng mình là nạn nhân của việc đó. Chính bạn phải biết làm chủ bản thân mình chứ không ai khác.
- Hãy tin tưởng vào những điều tốt đẹp nhất
Đừng tự khiến bản thân trở nên bi quan vì những điều tệ hại. Hãy nhớ rằng một thái độ tích cực tạo nên những hoàn cảnh tích cực.
- Nếu chưa chắc chắn, hãy hỏi lại
Đừng tự đánh đồng việc thiếu những thông tin phản hồi là một với việc nhận được những phản hồi tiêu cực. Nếu bạn cần phản hồi từ người khác, hãy hỏi ngay!
4. ENFP và các mối quan hệ
Các ENFP rất nghiêm túc trong những mối quan hệ, tuy nhiên lại tiếp cận nó với nhiệt huyết và nỗ lực một cách hồn nhiên. Họ đòi hỏi và yêu cầu sự chân thành và sâu sắc trong các mối quan hệ, và họ sẽ cố gắng hết sức để khiến mọi việc như ý muốn. Họ rất nhiệt tình, chu đáo, đáng tin cậy, và luôn cố gắng nuôi dưỡng các mối quan hệ của mình. Họ có một khả năng giao tiếp cực tốt, và có khả năng truyền cảm hứng và giúp cho người khác bộc lộ hết năng lực mà họ có thể. Năng động và sôi nổi, ENFP rất hay đắm mình trong lửa đam mê cuồng nhiệt, và thường được đánh giá cao bởi sự nồng hậu chân thành và lý tưởng cao đẹp.
Những thế mạnh của ENFP sẽ được biểu lộ ra thông qua những vấn đề liên quan tới đối nhân xử thế:
- Kỹ năng giao tiếp tốt.
- Thấu hiểu suy nghĩ và động cơ của người khác.
- Dùng nhiệt huyết và cảm hứng của mình giúp người khác đạt được kết quả tốt nhất.
- Rất thân thiện và đáng tin cậy.
- Vui tính, năng động và lạc quan.
- Luôn có tư duy “cùng thắng”.
- Luôn cố gắng đáp ứng nhu cầu của người khác.
- Rất trung thành và luôn muốn cống hiến.
Điểm cần khắc phục của ENFP:
- Có xu hướng chìm đắm trong công việc.
- Nhiệt huyết của họ đôi khi khiến họ trở nên không thực tế.
- Không thích làm những việc tẻ nhạt như lau chùi, trả tiền hóa đơn…
- Níu kéo một mối quan hệ đã trở nên tồi tệ.
- Không thích tranh cãi.
- Không thích bị phê bình.
- Nhu cầu có một mối quan hệ hoàn hảo có thể khiến họ thay đổi những mối quan hệ của mình thường xuyên.
- Rất dễ chán.
- Khó khăn trong việc la mắng hoặc phạt người khác.
1. Đặc điểm của nhóm tính cách INFP
Những người thuộc nhóm INFP có lối sống chủ đạo là cảm xúc hướng nội, ở đó họ xử lý công việc theo cách họ cảm nhận về việc đó, hoặc theo cách mà việc đó phù hợp với hệ thống giá trị cá nhân của họ. Ngoài ra, INFP còn có một lối sống thứ hai thiên về trực giác hướng ngoại, ở đó họ tiếp nhận mọi việc dựa vào trực giác của mình.
Hơn các loại tính cách cảm nhận bằng trực giác khác, INFP tập trung vào làm cho thế giới ngày một tốt hơn. Mục tiêu chính của họ là tìm kiếm ý nghĩa của họ trong cuộc sống. Mục đích của họ là gì? Làm thế nào họ có thể phục vụ nhân loại một cách tốt nhất trong cuộc sống của họ? Họ là những người lý tưởng hóa và cầu toàn, là những người làm việc không mệt mỏi trên con đường chinh phục mục tiêu mà họ đã chọn cho mình.
INFP có trực giác rất tốt về con người. Họ phụ thuộc rất nhiều vào trực giác của mình và sử dụng những khám phá của mình để liên tục tìm kiếm giá trị trong cuộc sống. Họ tìm kiếm sự thật và ý nghĩa đằng sau sự việc. Mỗi cuộc chạm trán và mỗi kiến thức thu nhặt được đều được chuyển đổi qua hệ thống giá trị của INFP và được đánh giá để xem liệu điều đó có tiềm năng giúp INFP xác định hoặc tinh chỉnh đường đi riêng của họ trong cuộc sống hay không. Mục tiêu ở cuối đoạn đường đó luôn không đổi – động lực của INFP là để giúp đỡ người khác và làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.
INFP nhìn chung rất chu đáo và tận tình, là người chịu khó lắng nghe và làm người khác cảm thấy thoải mái. Mặc dù họ có thể dè dặt trong biểu lộ cảm xúc, họ là người rất sâu sắc trong việc chăm sóc và đặc biệt quan tâm đến việc thấu hiểu con người. Sự chân thành này được cảm nhận bởi mọi người làm cho INFP trở thành người bạn giá trị và đáng tin cậy. INFP có thể khá niềm nở với những người mà họ đã thân thiết.
INFP không thích xung đột và tìm mọi cách có thể để tránh xảy ra xung đột. Nếu họ phải đối mặt với việc này, họ sẽ luôn tiếp cận sự xung đột từ góc độ cảm xúc của mình. Trong tình huống xung đột, INFP ít quan trọng việc ai đúng ai sai. Họ tập trung vào những cảm nhận mà xung đột đó mang đến cho họ, và thật sự thì họ không quan tâm liệu họ có đúng hay không. Họ không muốn cảm thấy khó xử. Đặc điểm này đôi khi làm cho họ biểu hiện không hợp lý và thiếu logic trong các tình huống mâu thuẫn. Mặt khác, INFP làm trung gian rất tốt và thường giải quyết tốt các xung đột của người khác vì trực giác của họ hiểu được cảm xúc và quan điểm của người khác, và họ thật sự muốn giúp đỡ những người đó.
INFP rất linh hoạt và thoải mái, cho đến khi một trong những nguyên tắc của họ bị vi phạm. Trước nguy cơ hệ thống nguyên tắc của mình bị đe dọa, INFP có thể trở nên hung hăng tự vệ, chiến đấu ngoan cường cho chính họ. Khi một INFP đã tiếp nhận một công việc hoặc dự án họ quan tâm, nó thường trở thành “sự nghiệp” cho họ. Mặc dù họ không phải là những cá nhân thiên về chi tiết nhưng họ sẽ bao trùm mọi chi tiết có thể với sự quyết tâm và mãnh liệt khi làm việc cho “sự nghiệp” của mình.
Khi nói đến những chi tiết đời thường về cuộc sống, INFP thường hoàn toàn không để ý gì về những điều này. Họ có thể đi những quãng dài trên thảm mà không để ý thấy một vết bẩn nhưng họ lại rất cẩn thận và tỉ mỉ quét từng hạt bụi ra khỏi tập sách dự án của mình.
INFP không thích làm việc với những công việc logic và dữ liệu khô khan. Việc tập trung lên cảm xúc và con người gây trở ngại cho họ khi đối mặt với các phán quyết khách quan. Họ không hiểu hoặc không tin vào hiệu lực của sự phán xét khách quan, điều này khiến họ khá kém hiệu quả trong việc sử dụng những phán xét này. Hầu hết INFP tránh phân tích khách quan, mặc dù một số INFP đã phát triển được khả năng này và có thể sử dụng khá hợp lý. Khi bị căng thẳng, INFP thường lạm dụng lý luận phức tạp trong cơn nóng giận, tung ra dẫn chứng này (thường là không chính xác) đến dẫn chứng khác trong cơn giận không kiểm soát.
INFP có tiêu chuẩn rất cao và rất cầu toàn. Do vậy, họ thường nghiêm khắc đối với bản thân và thường không tự khen ngợi chính mình. INFP có thể gặp khó khăn khi làm việc nhóm trong các dự án bởi vì tiêu chuẩn của họ thường cao hơn những thành viên khác trong nhóm. Trong một số trường hợp, họ có thể có vấn đề về “kiểm soát”. INFP cần phải nỗ lực để cân bằng giữa lý tưởng cao xa của họ với những yêu cầu của sinh hoạt thường ngày. Nếu không giải quyết được sự mâu thuẫn này, họ sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng với chính mình và có thể trở nên bối rối và không biết làm gì với cuộc sống của họ.
INFP thường là các nhà văn tài năng. Họ có thể vụng về và không thoải mái khi thể hiện bản thân bằng lời nói nhưng lại có một khả năng tuyệt vời để xác định và thể hiện những gì họ cảm thấy trên giấy viết. INFP cũng thường xuất hiện trong các ngành nghề dịch vụ xã hội như tư vấn hoặc giảng dạy. Họ thể hiện mình tốt nhất trong trường hợp họ làm việc hướng tới cộng đồng tốt đẹp và trong đó họ không cần phải dùng đến những lý luận phức tạp.
Những INFP có thể đem lại những điều to lớn và tuyệt vời khi làm việc trong lĩnh vực mà họ đươc đào tạo kỹ. Tuy vậy, họ thường không nhận công lao đó về mình. Một số INFP được xem như những nhân tố kích thích lòng nhân đạo vĩ đại trên thế giới.
2. INFP và sự nghiệp
Cho dù bạn là một thanh niên đang tìm kiếm chỗ đứng trong xã hội, hay một người trưởng thành đang muốn biết xem mình đang đi đúng hướng hay không, thì điều quan trọng là bạn hiểu chính mình và những đặc điểm tính cách có khả năng tác động đến sự thành công hay thất bại của bạn trong những ngành nghề khác nhau. Và cũng không kém phần quan trọng là bạn hiểu được điều gì là thực sự có ý nghĩa đối với bạn. Khi được trang bị những hiểu biết về các điểm mạnh và điểm yếu của mình cùng với sự nhận thức về điều mà bạn thực sự coi trọng, thì bạn đang ở trong một tâm thế rất tốt để chọn cho mình một nghề nghiệp mà bạn cảm thấy xứng đáng.
Các INFP có một số nét đặc trưng sau:
- Có hệ thống giá trị sống mạnh mẽ.
- Quan tâm đến mọi người.
- Thiên hướng phục vụ, đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình.
- Trung thành và công hiến cho con người và chính nghĩa.
- Hướng về tương lai.
- Luôn muốn được phát triển theo hướng tích cực.
- Sáng tạo và gây cảm hứng cho người khác.
- Dễ chịu và thoải mái, trừ phi có một nguyên tắc sống bị xâm phạm.
- Nhạy cảm và phức tạp.
- Không thích làm việc chi tiết và theo thủ tục.
- Lập dị và cá nhân – “tách rời khỏi đám đông”.
- Xuất sắc trong giao tiếp bằng văn bản.
- Thích làm việc một mình và có thể gặp khó khăn khi làm việc trong nhóm.
- Đánh giá cao các mối quan hệ sâu sắc và đích thực.
- Muốn được công nhận và đánh giá cao cho việc họ là ai.
INFP là một cá nhân đặc biệt, nhạy cảm và cần một sự nghiệp hơn là chỉ đơn giản một việc làm. INFP cần cảm thấy mọi thứ họ làm trong cuộc sống là theo đúng với hệ thống giá trị cảm tính mạnh mẽ của mình và những việc đó cũng đang mang họ và/hoặc những người khác theo hướng phát triển tích cực. INFP sẽ cảm thấy hài lòng nhất trong các nghề cho phép họ sống cuộc sống hằng ngày theo đúng các giá trị của mình cũng như trong các ngành nghề mang lại những điều tốt đẹp cho nhân loại. Có một điều rất đáng nói đó là hầu như tất cả những nhà văn vĩ đại trên thế giới là những INFP.
3. Nguyên tắc để INFP đạt được thành công
- Trau dồi ưu điểm của mình
Khuyến khích khả năng nghệ thuật và sáng tạo của bạn. Nuôi dưỡng đời sống tinh thần của bạn. Cho bạn cơ hội để giúp những người nghèo khổ hoặc không may.
- Hãy đối mặt với khuyết điểm của mình
Nhận ra và chấp nhận rằng một số đặc điểm là điểm mạnh và một số là điểm yếu. Đối mặt và giải quyết những yếu điểm của mình không có nghĩa là bạn phải thay đổi bản thân, mà đó có nghĩa là bạn muốn trở thành con người tốt nhất mà bạn có thể. Bằng cách đối mặt với chúng, bạn đang thể hiện sự kính trọng đối với bản thân chứ không phải là đang tự trách chính mình.
- Thể hiện cảm xúc của mình
Đừng để những cảm xúc không được biểu lộ dâng trào trong bạn. Nếu bạn có những cảm xúc mạnh mẽ, hãy biểu lộ ra bên ngoài. Đừng để chúng dâng trào bên trong bạn đến một lúc bạn không thể kiểm soát được chúng.
- Hãy biết lắng nghe
Đừng gạt bỏ bất cứ điều gì ngay lập tức. Hãy để mọi thứ lắng xuống một lúc rồi mới đưa ra phán xét.
- Mỉm cười trước những lời phê bình
Nên nhớ rằng người ta không phải lúc nào cũng đồng ý hoặc hiểu bạn, ngay cả khi họ đánh giá bạn rất cao. Hãy cố xem những bất đồng và lời phê bình là cơ hội để hoàn thiện mình. Trong thực tế, đó mới chính là ý nghĩa của sự phê bình.
- Hãy cố gắng hiểu người khác
Nên nhớ rằng có đến mười lăm nhóm tính cách khác, những người có cái nhìn khác so với bạn. Hãy cố gắng tìm hiểu họ thuộc nhóm người nào và hãy cố hiểu quan điểm của họ.
- Chịu trách nhiệm với chính bản thân mình
Nên nhớ rằng BẠN là người kiểm soát cuộc sống của bạn tốt hơn bất kỳ ai khác.
- Hãy biết chấp nhận
Bạn sẽ luôn thất vọng với người khác nếu bạn đòi hỏi quá nhiều từ họ. Tỏ vẻ thất vọng với một người cũng là cách nhanh nhất làm cho họ tránh xa bạn. Đối xử với người khác hòa nhã như là cách mà bạn muốn người khác đối xử với bạn.
- Hãy tin tưởng vào những điều tốt đẹp nhất
Đừng tự gây phiền muộn cho bạn bằng cách giả sử điều tồi tệ nhất. Hãy nhớ rằng thái độ tích cực thường mang lại hoàn cảnh tích cực.
- Nếu chưa chắc chắn, hãy hỏi lại!
Đừng tự đánh đồng việc thiếu những thông tin phản hồi là một với việc nhận được những thông tin phản hồi tiêu cực. Nếu bạn cần phản hồi nhưng chưa nhận được, hãy mạnh dạn yêu cầu phản hồi.
4. INFP và các mối quan hệ
INFP thể hiện một phong thái bình tĩnh, hiền hòa đối với cuộc sống. Họ xuất hiện để đem lại sự yên tĩnh và thanh bình cho người khác, với những ước vọng đơn giản. Trên thực tế, INFP cảm nhận cuộc sống của mình một cách mạnh mẽ. Trong quan hệ, điều này đã khiến họ có đầy cảm xúc sâu lắng cho yêu thương và quan tâm, điều không thường thấy ở các loại tính cách khác. INFP không dành trọn tất cả tình cảm mãnh liệt của họ cho chỉ một ai và tương đối dè dặt trong việc biểu lộ cảm xúc sâu lắng nhất của mình. Họ dành tình cảm và sự quan tâm sâu sắc nhất cho một vài người thân nhất với họ.
INFP nhìn chung thoải mái, thích hỗ trợ và nuôi dưỡng những mối quan hệ gần gũi. Với cảm xúc nội tâm làm chủ tính cách, họ rất nhạy cảm và dễ đồng điệu với cảm giác của người khác, và cảm thấy thật sự quan tâm và lo lắng cho người khác. Không dễ tin tưởng người khác và thận trọng trong khi khởi đầu một mối quan hệ, nhưng INFP sẽ hết mực trung thành một khi họ đặt ra một lời cam kết. Với những giá trị cốt lõi mạnh mẽ, họ là những cá nhân đánh giá cao chiều sâu và sự chân thật trong các mối quan hệ và coi trọng những người bạn có thể hiểu và chấp nhận quan điểm của INFP. Họ thường dễ hòa nhập và thông cảm, trừ phi một trong những nguyên tắc sống của họ bị vi phạm thì khi đó họ không tiếp tục hòa nhập và trở nên bảo thủ cho những nguyên tắc của họ. Họ sẽ trở nên khắc nghiệt và cứng nhắc trong tình huống như vậy.
Điểm mạnh của INFP:
- Những thế mạnh của INFP sẽ được biểu lộ ra thông qua những vấn đề liên quan tới đối nhân xử thế.
- Quan tâm và lo lắng cho người khác.
- Nhạy cảm và mẫn cảm về những gì người khác cảm thấy.
- Trung thành và cam kết – họ muốn có mối quan hệ bền lâu.
- Dồi dào tình cảm yêu thương và quan tâm.
- Có xu hướng đáp ứng nhu cầu của người khác.
- Luôn phấn đấu để đôi bên cùng có lợi.
- Nuôi dưỡng, ủng hộ và khuyến khích mối quan hệ.
- Thường dễ nhận biết và thông cảm nhu cầu cần không gian riêng của người khác.
- Có thể bày tỏ cảm xúc tốt.
- Linh hoạt và đa dạng.
Điểm cần khắc phục của INFP:
- Những điểm yếu của INFP sẽ được biểu lộ ra thông qua những vấn đề liên quan tới đối nhân xử thế.
- Có thể có xu hướng nhút nhát và kín đáo.
- Không muốn người khác xâm phạm “thế giới riêng” của họ.
- Cực kỳ không thích xung đột.
- Cực kỳ không thích sự chỉ trích.
- Rất cần có sự khen ngợi và khẳng định tích cực.
- Có thể phản ứng rất mãnh liệt trong những tình huống căng thẳng.
- Cảm thấy khó khăn từ bỏ một mối quan hệ xấu.
- Cảm thấy khó khăn khi khiển trách hay trừng phạt người khác.
- Có xu hướng dè dặt trong biểu lộ cảm xúc của họ.
- Xu hướng cầu toàn có thể khiến họ không tự khen ngợi bản thân.
- Có xu hướng tự khiển trách mình về những việc xảy ra và nhận lãnh hoàn toàn trách nhiệm về mình.
1. Đặc điểm của nhóm Kỹ thuật
Tính cách đặc trưng của nhóm Kỹ thuật là tính thực tế. Những người thuộc nhóm này thường quyết đoán và thích cạnh tranh. Họ quan tâm đến các hoạt động đòi hỏi sự phối hợp vận động, kỹ năng và sức mạnh. Những người này có khuynh hướng thực tế thường thích giải quyết vấn đề bằng hành động thực tiễn hơn là suy nghĩ hay bàn luận. Họ thích cách tiếp cận cụ thể để giải quyết vấn đề, hơn là lý thuyết trừu tượng.
Bên cạnh đó, những người có thiên hướng Kỹ thuật thường có lối sống ngăn nắp, ít quan tâm đến việc gây dựng quan hệ với những người xung quanh.
Nhược điểm của nhóm người Kỹ thuật là hơi cứng nhắc và thiếu linh hoạt.
2. Môi trường làm việc tương ứng và nghề nghiệp điển hình
- Môi trường công việc liên quan đến điều khiển máy móc, đồ vật: thợ xây dựng, kỹ sư, thợ cơ khí, thợ điện, nhà công nghệ máy tính,….
- Môi trường công việc liên quan đến chăm sóc, bảo vệ vật nuôi, cây trồng: kiểm lâm, nhà bảo vệ động/thực vật, nông dân, bác sĩ thú y,.…
- Môi trường công việc liên quan đến làm việc ngoài trời: phi công, lái xe, địa lý – địa chất, khảo cổ,….
- Môi trường đòi hỏi sự khéo léo chân tay khi sử dụng các công cụ, máy móc hoặc trong hoạt động thể thao: thợ thủ công, đầu bếp, nhà điêu khắc, thợ may, huấn luyện viên,.…
Chống chỉ định của những công việc trên:
- Dị ứng dầu mỡ, hóa chất
- Lao, hen, bệnh lý về thận, các bệnh lý về tim mạch
- Loạn thị, loạn sắc, mù màu
- Run tay và mồ hôi quá nhiều
- Tâm lý không ổn định
3. Ngành nghề đào tạo
Vận hành máy, chế tạo máy, cơ khí ứng dụng, tự động, bảo trì và sửa chữa ô tô, thiết bị điện, lắp đặt điện, bảo hành, sửa chữa điện, điện tử, tin học, xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, thể thao, nấu ăn, làm vườn và chăm sóc cây xanh, may mặc, thêu nghệ thuật, đan, móc, điêu khắc, nhân viên kỹ thuật phòng lab, tài xế, lái tàu,.…
Các công việc hoạt động thuộc nhóm Kỹ thuật có từ công nhân bậc 2/7, 3/7, công nhân kỹ thuật trình độ trung cấp nghề, kỹ sư thực hành, chế tạo, sản xuất, kiểm tra, điều khiển hệ thống, gia công, chế biến cơ hóa điện – điện tử, ô tô, đầu bếp,….
Thông tin khác
Phạm vi việc làm
- Công ty thuốc thú y.
- Phòng khám thú y, trại chăn nuôi gia súc – gia cầm.
- Khu bảo tồn động vật hoang dã hay thảo cầm viên.
- Phòng xét nghiệm thú y khoa, các hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc thú y.
Yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ
Tốt nghiệp các chuyên ngành Thú y, Bác sĩ thú y, Kỹ sư chăn nuôi,… hoặc những chuyên ngành liên quan.